1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh về da trong mùa nóng

Mùa hè, trời nóng, độ ẩm cao dễ gây ra các bệnh ngoài ra như nấm, rôm sảy, nhiễm trùng da... Vì vậy, giữ vệ sinh và biết cách phòng ngừa rất quan trọng.

Bệnh nấm kẽ chân

Do mồ hôi tiết ra nhiều, nếu phải mang giày thường xuyên, không có biện pháp phòng ngừa thì dễ bị nấm kẽ chân. Loại nấm gây bệnh thường gặp là Candida Albicans. Các kẽ ngón chân 3-4-5 thường hay bị bệnh nhất.

Triệu chứng thấy rõ là ở các kẽ ngón chân bị đỏ, lở, đóng ít nhiều chất bợn mầu trắng, có thể bóc ra được, người bệnh có cảm giác ngứa, rát, có khi các gốc móng chân bị sưng đỏ cùng với tiết dịch có mủ cũng do bị nhiễm nấm Candida. Ngâm nước càng lâu thì triệu chứng sẽ phát triển nhiều hơn...

Người bệnh tránh làm ẩm ướt chân kéo dài. Sau khi mang giày 2-3 giờ, nên lau thật khô với khăn khô hoặc khăn giấy, có thể rắc thuốc, bột chống nấm.

Tùy theo diễn tiến bệnh, có thể bôi thuốc chống nấm như Nystatin, thuốc thuộc nhóm Imidazole (Antifungtal Calcrem). Trường hợp nặng, kéo dài, có thể uống thuốc Itraconazole hoặc Fluconazole. Uống thuốc kháng sinh khi bị bội nhiễm. Uống thuốc chống ngứa khi bị ngứa nhiều như: Levocetirizine, Loratadine, Chlorpheniramin v.v...

Bệnh nấm bẹn

Do trời nóng nực kéo dài và mặc quần áo ẩm thường xuyên, nấm dễ phát triển trên da, nhất là vùng bẹn. Nấm bẹn hay còn gọi là lác hay hắc lào là bệnh gây ra do nấm Dermatophytes, gồm có 3 loại vi nấm là: Trichophyton (thường gặp nhất) Epidermophyton và Microsporum.

Đầu tiên, người bệnh có cảm giác ngứa, sau đó phát hiện ở vùng bị bệnh một mảng mầu đỏ có viền bờ rõ rệt, trên viền bờ có mụn nước lấm tấm, ngày càng lan rộng ra, vằn vèo nhiều vòng cung, lúc ra mồ hôi hoặc ẩm ướt thì cảm thấy ngứa nhiều hơn. Người bệnh thường dùng khăn chung ẩm ướt hoặc treo chung khăn tắm, áo quần thì càng dễ truyền nấm và bào tử nấm sang cho người trong gia đình hoặc tập thể.

Bản thân người bệnh có thể tự lây ra nhiều vùng khác trên cơ thể như ở thân người, mặt, tay chân hoặc có thể lan rộng dần ra toàn thân.

Để xử lý, cần điều trị hết cùng một lúc cho tất cả mọi người trong gia đình, tập thể đang bị bệnh và phải điều trị liên tục đủ thời gian cần thiết, trung bình là từ 2-4 tuần. Cần giữ da khô sạch hơn, hạn chế gãi. Áo quần, khăn tắm phải giặt, phơi nắng, ủi (là) kỹ ở mặt bên trong.

Thuốc bôi:

- Cồn Iode 1-2%, B.S.I, Antimycose.

- Thuốc thuộc nhóm Imidazol như Calcrem, Antifungal, Nizoral.

- Thuốc Lamisil.

Thuốc uống:

Tùy theo điều kiện có thể uống một trong những loại thuốc chống nấm như: Griseofulvin, Sporal, Lamisil, Nizoral.

Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh lây do một loại ký sinh trùng sống bám trên da, tên của nó là Sarcoptes Scabiei. Khi sống trong môi trường tập thể nóng nực, bệnh rất dễ lây lan cho nhiều người chung quanh.

Có ba triệu chứng quan trọng. Nổi vài mụn nước nhỏ ở vị trí đặc biệt như ở kẽ tay, mặt trong cổ tay, bụng, mặt trong đùi. Ở trẻ nhỏ còn gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sau mông, ở mặt. Bệnh ngứa nhiều về ban đêm. Trong gia đình hoặc tập thể cũng có nhiều người có triệu chứng tương tự.

Ngoài ra, có thể gặp những triệu chứng phụ khác như: mụn mủ, trốc lở nhọt, sưng hạch v.v...

Chúng ta cần phát hiện sớm và điều trị sớm để tránh lây lan cho người khác. Nên điều trị hàng loạt cho tất cả người bị bệnh.

Điều trị liên tục và củng cố để tránh những đợt mới và lây bệnh trở lại.

Nên bôi thuốc đúng phương pháp, bôi rộng vào ban đêm trước khi đi ngủ. Quan trọng là tổng vệ sinh giường, chiếu, drap mềm, giặt áo quần với nước nóng, ủi trước khi sử dụng trở lại.

Thuốc điều trị:

- Bôi thuốc: DEP (Diethylphtalate) hoặc Benzye benzoat hoặc Eurax (crotamiton).

- Uống thuốc kháng sinh khi bị nhiễm trùng và thuốc chống ngứa vào mỗi tối khi bị ngứa về đêm gây khó ngủ, thí dụ: Chlorpheniramin, Atarax.

Bệnh nhiễm trùng da

Bình thường, trên da của chúng ta thường gặp hai loại vi trùng là tụ cầu trùng (Staphyeococcus) và liên cầu trùng (Streptococcus). Hai loại vi trùng này ít khi tự nhiên gây bệnh ở da, tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, vệ sinh da kém, ngứa gãi, bị chấn thương ở da thì vi trùng tăng độc tính gây ra tình trạng nhiễm trùng da. Dưới đây là bệnh thường gặp:

Nhọt: Nhọt là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức chung quanh làm hoại tử cả một vùng. Nhọt thường trải qua các giai đoạn: sưng, đỏ, cứng, đau. Dần dần, nhọt mềm rồi vỡ ra, chảy mủ và thành sẹo. Nguy hiểm nhất là tụ cầu trùng có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

Trốc: Trốc là bệnh nhiễm trùng da nguyên phát thường gây ra do liên cầu trùng, sau đó có thể phối hợp với tụ cầu trùng. Bệnh khởi phát bằng một bóng nước trong hơi dẹp chung quanh có quầng viêm, vài giờ sau, bóng nước đục dần có mủ rồi sẽ vỡ đóng mày mầu vàng, dưới lớp mày là vết trợt đỏ rớm dịch. Bệnh dễ lan qua vùng da kế cận.

Để tránh được trốc, cần giữ da thoáng mát, không lạm dụng ăn, uống nhiều chất ngọt. Tắm bằng xà phòng có tính sát trùng như Safeguard, Lifebuoy hoặc thuốc tím pha loãng có mầu hồng lợt.

Bôi thuốc chống nhiễm trùng tại chỗ như: Eosine, Milian, Fucidin Bactruba. Dùng kháng sinh khi bị bệnh nặng.

Rôm sảy

Rôm sảy là hiện tượng tuyến mồ hôi bị chèn ép và bít kín lại làm mồ hôi không tiết ra được. Biểu hiện triệu chứng là trên da có những hạt nhỏ mầu hồng hơi nhám. Rôm sảy hay gặp vào mùa nắng nóng ở trẻ và cả người lớn mồ hôi nhiều. Vị trí thường gặp là ở vùng sau lưng. Khi trẻ bị rôm sảy, cần cho trẻ sinh hoạt trong môi trường thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi. Tắm thuốc tím pha loãng hoặc nước nấu khổ qua (mướp đắng). Có thể rắc bột phấn TALC và bôi dung dịch Dalibour.
 
Theo BS Huỳnh Huy Hoàng
Thế Giới Mới