Bệnh uốn ván: SOS!
(Dân trí) - Uốn ván, một bệnh quá quen thuộc, tưởng như có thể thanh toán dễ dàng, lại tồn tại phổ biến trong cộng đồng. Nguyên nhân chính vì ngành y tế chưa quan tâm đúng mức về bệnh này.
Ngày 26/6, tại khoa Cấp cứu người lớn bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, 8 chiếc giường săn sóc đặc biệt dành cho những bệnh nhân nặng đều có người. Tất cả là bệnh nhân uốn ván, họ nằm mê man và phải thở máy. TS. BS trưởng khoa Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết: Có ngày bệnh nhân lên đến 13 - 15 người, huy động nhiều điều dưỡng săn sóc cũng không xuể.
25.000 đồng = 200 triệu đồng
Với tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do uốn ván giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc điều trị thường phức tạp do bệnh nhân đối mặt với nhiều biến chứng như suy hô hấp, ngưng thở hay ngưng tim đột ngột, rối loạn thần kinh thực vật, xuất huyết cơ, nhiễm trùng huyết hay nhiễm trùng đường tiểu. Do những khó khăn này mà trung bình mỗi bệnh nhân phải nằm viện 1 - 2 tháng, tổng chi phí lên đến 200 triệu đồng, cả một gia tài đối với bệnh nhân nghèo, chưa kể những thiệt hại do mất công ăn việc làm.
Trong khi đó, phòng ngừa uốn ván rất đơn giản, chỉ cần chích ngừa vắc xin là có thể bảo vệ được trong nhiều năm liền, với giá dao động từ 15.000 – 25.000đ. Do không biết điều này nên người dân không chích ngừa, hoặc nếu không chích ngừa thì khi bị thương cũng không biết chăm sóc vết thương đúng cách để vi trùng xâm nhập cơ thể và gây bệnh.
Tiến sĩ Thu Thảo cho biết uốn ván là bệnh hay gặp ở vùng đông dân cư, thiếu mạng lưới y tế cơ sở vững mạnh trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Vi trùng thường xâm nhập vào cơ thể qua vết thương da do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tiêm không vô trùng, xỏ lỗ tai, xăm mình, vết thương phẫu thuật sản khoa, phá thai, đỡ đẻ không vô trùng.
Dự phòng yếu, dân sợ vắc xin nội
Chưa có khảo sát nào lý giải vì sao ở nước ta bệnh uốn ván không được kiểm soát tốt như bệnh bại liệt, ho gà, bạch hầu. Nhưng theo giới chuyên môn, có lẽ nó xuất phát từ việc người dân không được truyền thông đúng mức về bệnh này.
Theo BS Lê Thanh Sơn, công tác tại khoa Nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, để phòng ngừa uốn ván chỉ cần tôn trọng lịch tiêm cơ bản: đối với trẻ em, sau khi sinh cần được gây miễn dịch cơ bản bằng ba mũi VAT, sau 5 năm tiêm nhắc mũi thứ tư và sau 10 năm tiêm mũi thứ năm. Lúc này, miễn dịch sẽ kéo dài suốt 20 năm. Lịch tiêm như thế, nhưng ở nước ta, nhân viên y tế chỉ nhắc nhở người dân tiêm ba mũi đầu tiên mà không nhắc tiêm những mũi tiếp theo, vì thế người trưởng thành hầu như không hề có miễn dịch, khi tiếp xúc với vi trùng uốn ván rất dễ phát bệnh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn bệnh nhân uốn ván đều ở độ tuổi lao động, là dân lao động nghèo (thợ hồ, nông dân...), do những người này thường làm việc trong điều kiện dễ bị tổn thương da, không biết bảo vệ mình và cũng không tiêm phòng uốn ván. Vậy tại sao ngành y tế không tập trung tuyên truyền cho đối tượng này, thậm chí cho họ tiêm phòng miễn phí vì chi phí tính ra không thấm gì so với chi phí điều trị?
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh Sơn, đừng nói người dân, mà cả người trong ngành y cũng cần được nâng cao kiến thức về bệnh uốn ván. Ông dẫn chứng, trước đây có bác sĩ tuyến tỉnh không chịu chuyển bệnh nhân uốn ván lên tuyến trên điều trị vì cho rằng một khi bệnh nhân lên co giật là hết thuốc chữa. Do vậy, bệnh nhân đã tử vong một cách đáng tiếc. Thực tế, ở những trung tâm chuyên sâu, với kinh nghiệm dồi dào và phương tiện điều trị hiện đại, việc cứu sống bệnh nhân uốn ván trong mọi hoàn cảnh là hoàn toàn có thể.
Ngoài ra, một thực tế cũng đáng ghi nhận là những tháng qua nguồn vắc xin ngoại Tetravax (Sanofi Pasteur) nhập từ Pháp bị “đứt hàng”. Trong nước có vắc xin VAT giá rẻ hơn, nhưng không ít người dân có tâm lý ngán ngại vì một vài ca tai biến chích ngừa vừa qua liên quan đến vắc xin nội. Cũng liên quan đến sự cố này, một số trung tâm y tế dự phòng quận, huyện ở TP.HCM không triển khai tiêm phòng uốn ván tại chỗ, mà chuyển người dân lên tuyến trên, khiến họ chán nản... mà bỏ.
Theo Phan Sơn
Sài Gòn tiếp thị