Bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn có chữa khỏi được không?
(Dân trí) - Các bác sĩ cho biết, ung thư tuyến giáp là bệnh lý có tiên lượng khá tốt. Nếu bệnh nhân được điều trị an toàn và hiệu quả, thời gian sống sau 5 năm có thể lên đến 99%.
So với các loại ung thư khác, các thể ung thư tuyến giáp thường gặp đều có thời gian tiến triển lâu dài, tỷ lệ tử vong do bệnh thấp. Đặc biệt, các phương pháp điều trị hiện nay có hiệu quả rất cao trong điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm.
Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?
Theo các bác sĩ, nếu điều trị ung thư tuyến giáp ngay từ giai đoạn sớm (khối u có kích thước nhỏ, chưa xâm lấn ra ngoài tuyến giáp hoặc di căn hạch hay di căn xa), tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 98-99% ở ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, trên 85% ở ung thư giáp thể tủy.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện và điều trị bệnh khi khối u đã có di căn hoặc xâm lấn quanh tuyến giáp, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau 5 năm vẫn đạt trên 90% ở một số thể ung thư.
Kể cả ở giai đoạn muộn, khi khối u đã có di căn xa đến các cơ quan khác như não, phổi, xương, tỷ lệ sống sau 5 năm vẫn còn khoảng 50% với hầu hết các thể ung thư tuyến giáp.
Riêng ở ung thư tuyến giáp thể kém biệt hóa, bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, khiến hầu hết bệnh nhân chỉ có thời gian sống khoảng 1 năm sau đó. Mặc dù vậy, thể kém biệt hóa chỉ chiếm dưới 1% các trường hợp mắc ung thư tuyến giáp.
Bác sĩ Trần Thị Hoàng Anh, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chia sẻ, hầu hết các thể ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm.
Do đó, mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nên được thăm khám và sàng lọc bệnh lý ung thư tuyến giáp mỗi 1-3 năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Tùy vào từng thể bệnh và từng giai đoạn khác nhau, bệnh ung thư tuyến giáp có thể thực hiện các biện pháp điều trị khác nhau.
Nếu phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm, với ung thư tuyến giáp thể nhú, một số trường hợp sẽ được theo dõi tích cực bằng siêu âm tuyến giáp và hạch vùng cổ, có thể kết hợp cùng với chụp cắt lớp vi tính vùng cổ - ngực có tiêm thuốc cản quang.
Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được theo dõi tại các cơ sở y tế có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
Với ung thư tuyến giáp thể nhú kích thước nhỏ, khối u chưa có sự xâm lấn và di căn, bệnh nhân có thể điều trị bằng đốt sóng cao tần. Đây là biện pháp điều trị có hiệu quả cao, tỷ lệ biến chứng và di căn thấp, ảnh hưởng tối thiểu đến sức khỏe dài hạn của bệnh nhân.
Cũng giống như theo dõi tích cực, biện pháp điều trị này cần được thực hiện ở cơ sở y tế có kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, Vinmec Times City đã triển khai và điều trị thành công gần 500 ca ung thư tuyến giáp thể nhú bằng phương pháp đốt sóng cao tần.
Nếu không phải ung thư tuyến giáp thể nhú, phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể thực hiện để điều trị. Đây cũng là phương pháp điều trị phổ biến nhất với tất cả các thể ung thư tuyến giáp. Tùy từng thể ung thư, bệnh nhân sẽ có các chỉ định phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn phần tuyến giáp.
Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp là phương pháp điều trị chính, là bước đầu tiên trong quá trình điều trị. Khi việc phẫu thuật không thể loại bỏ hoàn toàn tổn thương, hoặc tổn thương nằm ở những vị trí không phẫu thuật được, bệnh nhân sẽ cần đến sự trợ giúp của các biện pháp điều trị hỗ trợ bổ sung.
Với ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, iod phóng xạ (I131) là một trong các lựa chọn phổ biến và hiệu quả cao.
Khi tình trạng bệnh đã di căn hoặc trong những trường hợp không thể phẫu thuật và điều trị iod phóng xạ không hiệu quả, để làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính, bệnh nhân sẽ được tính đến việc xạ trị. Đây là phương pháp điều trị sử dụng năng lượng của các chùm tia xạ để loại bỏ tế bào u.
Bên cạnh đó, hiện nay việc điều trị ung thư tuyến giáp còn có thêm các thuốc nhắm trúng đích. Đây là những thuốc độc tế bào chọn lọc mục tiêu, giúp tiêu diệt và ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ác tính.
Thuốc đích được chỉ định trong các trường hợp di căn xa, kháng iod phóng xạ hoặc không thể điều trị bằng các biện pháp khác. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả của các loại thuốc nhắm đích chưa cao, chi phí điều trị rất đắt đỏ, nên thường khá hạn chế trong chỉ định.