Bệnh ung thư phổi có di truyền không? | Báo Dân trí

Bệnh ung thư phổi có di truyền không?

Hà An

(Dân trí) - Khoảng 8% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong khi đó, có đến 80-90% trường hợp liên quan đến việc hút thuốc lá.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.

Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan.

Diễn tiến âm thầm và tiên lượng xấu là những đặc điểm quan trọng của loại ung thư này. Người bệnh có thể đến khám vì ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, đau xương...

Bệnh ung thư phổi có di truyền không? - 1

Các triệu chứng của bệnh ung thư phổi thường không điển hình (Ảnh: H.T).

Trong khi đó, hơn 50% trường hợp bệnh nhân khi chẩn đoán đã ở giai đoạn di căn, tức các tế bào ung thư đã lan tràn ở phổi và các cơ quan khác của cơ thể. Tiên lượng khả năng sống được 5 năm của các trường hợp này rất thấp, chỉ khoảng 6%.

Theo Verywell Health, ước tính có khoảng 8% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến yếu tố di truyền (so với 80% đến 90% trường hợp có liên quan đến hút thuốc lá). Cũng như việc có một số đột biến gen di truyền, tiển sử có các thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc ung thư phổi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, điều đó không đảm bảo rằng bạn sẽ phát triển bệnh. 

Nghiên cứu cho thấy rằng di truyền có nhiều khả năng đóng một vai trò trong việc phát triển ung thư phổi ở những người dưới 50 tuổi, phụ nữ và những người chưa bao giờ hút thuốc.

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.