Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi không tế bào nhỏ

Hà An

(Dân trí) - Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% trong số các trường hợp ung thư phổi. Các triệu chứng thường xuất hiện vào giai đoạn muộn của bệnh.

Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Theo GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai ở cả 2 giới, chỉ sau ung thư gan ở nam và ung thư vú ở nữ. Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 26.000 trường hợp mới mắc (>18.500 nam và >7.500 nữ) và tử vong khoảng 23.700 bệnh nhân.

Ung thư phổi được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10-15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85%.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi không tế bào nhỏ - 1

Ảnh minh họa.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:

- Thuốc lá: Theo BS Nguyễn Nhật Linh, khoa Nội I, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ước tính 80-90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ ung thư phổi tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá. Một người hút một gói thuốc mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 20 lần người không hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc thụ động cũng được ghi nhận, người sống cùng nhà với người hút thuốc tăng 30% nguy cơ ung thư phổi so với người không cùng hoàn cảnh.

- Tiếp xúc amiang: Người hút thuốc có tiếp xúc amiang có nguy cơ cao gấp 90 lần người không tiếp xúc.

- Bụi phóng xạ và radon: làm tăng nguy cơ ung thư phổi, người tiếp xúc với mức độ radon cao tại nhà ở để mắc ung thư phổi.

- Nhiễm khuẩn: Human papilloma virus (HPV) được quy cho là một nguyên nhân gây ung thư phổi.

- Di truyền: Một vài đột biến di truyền là yếu tố liên quan. Đột biến T790M xảy ra trên tế bào mầm kèm theo ung thư biểu mô tuyến của phổi.

- Ô nhiễm không khí: Khói bụi trong không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến.

Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao do bệnh thường được chẩn đoán vào giai đoạn tiến xa nên cần tăng cường hiệu quả hoạt động tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi. Gần đây chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc năng lượng thấp được chấp thuận như biện pháp tầm soát cho đối tượng nguy cơ cao (trên 55 tuổi, hút thuốc lá nhiều năm trên 30 gói/năm).

Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

- Ho: gặp trong khoảng 80% bệnh nhân, thường thấy thay đổi về tần suất và mức độ trên người hút thuốc, có thể ho khan hoặc kèm theo khạc đờm.

- Ho ra máu.

- Khó thở.

- Viêm phổi tái diễn một vị trí.

- Tràn dịch màng phổi.

- Đau ngực.

- Đau vai, tay.

- Triệu chứng do chèn ép: khó nuốt, khàn tiếng, hội chứng tĩnh mạch chủ trên...

Các triệu chứng do di căn:

- Nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhận thức, vận động, triệu chứng thần kinh khu trú...

- Đau xương, hạn chế vận động do đau...

- Tê, yếu, mất vận động chi, đại tiểu tiện không tự chủ…