Bệnh phong vẫn xuất hiện ở Hà Nội và TPHCM, kỳ vọng vaccine trong tương lai

Hồng Hải

(Dân trí) - PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, mỗi năm vẫn phát hiện 70-100 bệnh nhân phong mới, trong đó có ở cả khu vực thành thị.

Ngày 24/11, bên lề Hội nghị Da liễu Toàn quốc thường niên năm 2023 và Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đà Lạt, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia đang nỗ lực nghiên cứu vaccine ngừa bệnh phong.

Cơ hội thanh toán hoàn toàn bệnh phong

"Đến nay, bệnh phong chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện vaccine này đang được nhiều nước nghiên cứu, từ Ấn Độ, các nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... Trong một báo cáo tại Hội nghị lần này cũng đề cập vấn đề nghiên cứu về vaccine trong phòng bệnh phong", PGS Doanh thông tin.

PGS - Doanh_hong hai.JPG

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, nhiều quốc gia đang nghiên cứu về vaccine ngừa bệnh phong (Ảnh: Hồng Hải).

Theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, quá trình nghiên cứu vaccine ngừa bệnh phong rất khó khăn. Bởi vi khuẩn phong rất khó nuôi cấy, chỉ nuôi cấy được trên động vật sống.

"Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mãn tính kéo dài, thời gian ủ bệnh lâu, khi tiếp xúc bệnh nhân phong có thể 5-10 năm mới phát bệnh chứ không phát bệnh ngay. Vì thế, việc phát triển vaccine là ước muốn của ngành y tế. Khi có vaccine sẽ hướng đến thanh toán, loại trừ hoàn toàn bệnh phong", PGS Doanh nói.

70-100 bệnh nhân phong mới: Hầu hết phát hiện muộn

Theo PGS Doanh, tỉ lệ phát hiện người bệnh phong mới giảm đều qua các năm. Tuy nhiên đây vẫn là căn bệnh truyền nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, trong khi đang bị dần lãng quên trong cộng đồng.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận 70-100 bệnh nhân phong mới, vẫn xuất hiện bệnh nhân ở ngay khu vực thành thị như Hà Nội, TPHCM.

"Việc phát hiện bệnh nhân phong mới không dễ như trước đây, các ca bệnh thường phát hiện muộn. Hầu hết bệnh nhân đi qua nhiều chuyên khoa mới đến chuyên khoa da liễu. Chúng tôi gặp rất nhiều người bệnh chẩn đoán nhầm bệnh lý khác rồi mới chẩn đoán phong", PGS Doanh thông tin.

Bệnh phong vẫn xuất hiện ở Hà Nội và TPHCM, kỳ vọng vaccine trong tương lai - 2

PGS.TS Lê Hữu Doanh trong một lần đi thăm bệnh nhân phong ở Bắc Ninh (Ảnh: Hồng Hải).

Đặc biệt, ở các khu vực thành thị, đông dân cư vẫn phát hiện ca bệnh phong mới gây khó khăn trong việc tìm rõ nguồn lây, khoanh vùng tiếp xúc, điều trị, khi mà người bệnh đi qua rất nhiều chuyên khoa khám, sau đó mới phát hiện bệnh phong.

PGS Doanh giải thích, biểu hiện bệnh phong ở mỗi người là khác nhau. Có trường hợp biểu hiện ở da, nhưng có trường hợp biểu hiện ban đầu là yếu cơ, người ta có thể khám chuyên khoa dị ứng, cơ xương khớp, thần kinh, đa khoa... rồi mới đến da liễu. 

"Dù là bệnh truyền nhiễm, lây lan qua hô hấp, tiếp xúc, nhưng tỉ lệ mắc bệnh phong hiện nay rất thấp, số lượng bệnh nhân giảm thấp dưới 1/10.000 dân, đây không còn là vấn đề y tế công cộng nữa.

Bên cạnh đó, nguồn lây bệnh phong rất chậm, tiếp xúc nguồn lây có thể sau 5-10 năm mới mắc bệnh và khả năng lây khó hơn các bệnh khác. Bệnh nhân phong phát hiện, điều trị, khi uống liều thuốc đầu tiên, nguồn lây bệnh nhân không còn nữa", PGS Doanh thông tin thêm.

Sau khi người bệnh kết thúc giai đoạn điều trị thì trong 3-5 năm tiếp theo, bệnh nhân và người xung quanh họ vẫn nằm trong diện giám sát nguồn lây để kịp thời phát hiện sớm ca mắc.

Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. 

Hội nghị Da liễu Toàn quốc thường niên và Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ nhất diễn ra trong 3 ngày (23-25/11), với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu trong và ngoài nước.

Hội nghị có 14 phiên khoa học, 2 phiên đào tạo liên tục trước hội nghị, nhiều hội thảo chuyên sâu về các nội dung như: Laser; bệnh da chung; bệnh da mụn nước, bọng nước; bạch biến, rụng tóc; các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; bệnh phong; trứng cá; vảy nến, nấm da; bệnh da tự miễn, ung thư da, sẹo lồi… 

Theo PGS Doanh, đây là lần đầu tiên có sự phối hợp Hội nghị da liễu kết hợp Hội nghị nghiên cứu da liễu nhằm bước đầu mong muốn tập hợp được cả những báo cáo về tổng quan và nghiên cứu chuyên ngành.

Trong khuôn khổ hội nghị, theo chủ trương hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Lào, tối 23/11, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hội Da liễu Việt Nam, Trung tâm Da liễu Quốc gia CHDCND Lào đã ký Bản ghi nhớ hợp tác y tế song phương tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Bệnh phong vẫn xuất hiện ở Hà Nội và TPHCM, kỳ vọng vaccine trong tương lai - 3

PGS.TS. Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung (giữa) và Giám đốc Trung tâm Da liễu Quốc gia CHDCND Lào (bên trái) ký kết hợp tác y tế (Ảnh: M.H).

Theo đó hai bên cùng thúc đẩy hợp tác học thuật, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và đào tạo sau đại học, trao đổi thông tin, tài liệu... 

Cũng tại buổi lễ ký kết, PGS.TS. Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương và GS. Fujieda Shigeharu - Trưởng khoa Khoa học Y tế, đại học Fukui, Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện Da liễu Trung ương và khoa Khoa học Y tế, đại học Fukui, Nhật Bản.

Với sự ký kết này, hai bên sẽ có cơ hội trao đổi, gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, các sinh viên, thúc đẩy hợp tác lẫn nhau...