1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh phong có dễ lây?

(Dân trí) - Do để lại di chứng trầm trọng và có thể lây nên nhiều người sợ hãi và có quan niệm sai lầm về bệnh này.

Bệnh phong (từng bị gọi là bệnh cùi, bệnh hủi) là một bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra bởi vi trùng Mycobacterium Leprae (vi trùng Hansen).

Dấu hiệu điển hình ở giai đoạn đầu là trên da xuất hiện các dát bạc màu hoặc đỏ hồng kèm theo giảm hoặc mất dần cảm giác trên vùng da đó (như xúc giác, nhiệt giác).

Tùy theo thời gian phát bệnh, trên cơ thể còn xuất hiện các triệu chứng như: vùng da bóng láng và phù nhẹ; đỏ da lan tỏa bóng láng và phù; u, cục đỏ, đau xuất hiện đột ngột; dái tai dày; lông mày thưa hoặc rụng đặc biệt ở 1/3 ngoài.

Về thần kinh: xuất hiện một vùng da tê hoặc cảm giác kiến bò; xuất hiện sự yếu các cơ nhỏ ở bàn tay, bàn chân; dây thần kinh to hoặc mất cảm giác; mất chức năng bài tiết mô hồi ở một vùng da.

Do bệnh chỉ lây qua da và niêm mạc bị trầy xước, lại dễ bị giết chết bởi xà phòng và ánh nắng nên bệnh phong thường lây khó và lây chậm (trực khuẩn phong sinh sản chậm với chu kỳ 12 - 13 ngày, không có vật chủ trung gian truyền bệnh).

Tức là khi vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng hai phút trực khuẩn sẽ chết hoặc để ngoài nắng cũng trong vòng hai phút trực khuẩn cũng sẽ chết. Ngoài ra, tắm hàng ngày cũng là cách để ngăn ngừa bệnh phong.

Và ngay cả trong trường hợp mắc bệnh, việc điều trị cũng không khó và được miễn phí, điều trị tại nhà. Chỉ cần người bệnh uống thuốc đều, không ngắt quãng.