Bệnh nhân ung thư phổi chỉ sống thêm được 3-6 tháng nếu phát hiện muộn
TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện K chia sẻ, phần lớn bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày hoặc hút thuốc lào trong nhiều năm…
Thông tin đến báo chí, Bệnh viện K cho biết, năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi và bình quân mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Đây là trực trạng báo động, bởi nó vẫn có xu hướng gia tăng.
Hiện tại, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 3 khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao nhất thế giới lần lượt là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Việt Nam cũng là nước nằm trong các khu vực này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí.
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện K, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).
“Tại bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi” – TS Kiểm nói.
Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện K, ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác. Khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì đã ở giai đoạn muộn.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3-6 tháng.
Theo An ninh thủ đô