Vĩnh Long:

Bệnh nhân thủng dạ dày tử vong vì chẩn đoán nhầm ruột thừa

(Dân trí) - Khoảng 40 người thân mang di ảnh anh Sang, SN 1974 (ngụ Phú Quới, Long Hồ) kéo đến Bệnh viện yêu cầu làm rõ cái chết của nạn nhân. Theo người nhà, anh Sang tử vong do bác sĩ chẩn đoán bệnh dạ dày thành ruột thừa.

Bệnh dạ dày bác sĩ chẩn đoán ruột thừa

Chiều 12/1, khoảng 40 người thân nạn nhân Trần Thanh Sang (SN 1974, ngụ ấp Phú Long A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) mang di ảnh, đội khăn tang đến Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long yêu cầu các bác sĩ làm rõ cái chết của người thân. Theo người nhà nạn nhân, do bác sĩ chuẩn đoán sai nên đã dẫn đến cái chết của anh Sang.

Bà Trần Thị Ngọc Đáng, SN 1959 (chị thứ 3 của anh Sang là người trực tiếp nuôi bệnh - PV), kể lại: “Khoảng 21h00 ngày 8/1, Sang nói bị bị đau bao tử dữ dội nên kêu 2 người cháu chở giúp lên trạm xá xã Phú Quới. 

Tại đây, sau khi khám trạm xá yêu cầu gia đình phải chuyển Sang đến bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long gấp. Ngay lập tức, Sang được gia đình đưa đến bệnh viện và làm thủ tục nhập viện lúc 22h. Sau đó, Sang được chụp X-quang và chuyển lên khoa ngoại ở tầng 2 của bệnh viện”.

Hơn 40 người đội khăn tang, mang di ảnh đến bệnh viện yêu cầu làm rõ cái chết của anh Sang
Hơn 40 người đội khăn tang, mang di ảnh đến bệnh viện yêu cầu làm rõ cái chết của anh Sang

Theo bà Đáng, nằm được khoảng 1 giờ đồng hồ tại khoa Ngoại thì Sang được bác sỹ đến khám và báo cho người nhà biết bệnh nhân bị “đau ruột thừa”. Không lâu sau đó, có một y tá đến truyền dịch cho Sang và người này cũng nói “anh Sang bị đau ruột thừa. Nếu từ đây đến sáng truyền nước mà hết đau thì thôi, còn không khỏi sẽ tiến hành mổ”. Trong lúc truyền nước, Sang vẫn không thuyên giảm, cứ quằn quại trong đau đớn.

Bà Đáng cho biết thêm: "Khoảng 5h25’ ngày 9/1, em tôi mới được đưa vào phòng mổ. Vì lo lắng sức khoẻ của Sang nên tôi ngồi đợi ở ngoài phòng mổ đến tận trưa mà chẳng có tin tức gì. Ngồi chờ cho đến hơn 16h00 chiều thì xuất hiện một nam y tá đến và nói: “Đi mua bọc khăn giấy ướt để lau mặt cho bệnh nhân”. Mua xong, tôi vào phòng hậu phẫu lau mặt thì Sang thều thào cho biết đang rất đau. Khoảng 23h đêm, y tá yêu cầu tôi mang ống máu của Sang đi xét nghiệm".

Người nhà yêu cầu làm rõ cái chết của anh Sang
Người nhà yêu cầu làm rõ cái chết của anh Sang

Tuy nhiên, theo bà Đáng, đến sáng ngày 10/1 bác sỹ gọi vào thông báo “Sang không đau ruột thừa mà là bị thủng dạ dày nặng”. Lúc đó gia đình mới tá hoả khi biết là chẩn đoán sai. Đồng thời bác sĩ đã mổ khâu dạ dày bị thủng mà không cho gia đình biết. Lát sau, bác sĩ hỏi muốn nằm đây điều trị hay chuyển viện, bởi hiện tại bệnh nhân vẫn không thuyên giảm, bệnh càng trở nặng.

Sau khi hội ý, gia đình đồng ý chuyển anh Sang lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị. Tuy nhiên, xe cấp cứu mới tới địa phận tỉnh Tiền Giang thì Sang tử vong.

Gia đình yêu cầu làm rõ cái chết của nạn nhân

Anh Sang là con thứ 9 trong gia đình có tới 10 anh em, nhà nghèo, không đất canh tác, chủ yếu là làm thuê kiếm sống. Là trụ cột chính trong gia đình, anh Sang mất đi để lại gánh nặng cho người vợ phải lo cho 2 cháu gái, bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ vừa tròn 12 tháng. Sau cái chết đầy bất ngờ này, gia đình yêu cầu làm rõ việc tắc trách của các bác sĩ ở bệnh viện và gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng.

Ông Trần Văn Tám, chú ruột của anh Sang bức xúc cho biết: “Bệnh viện khám đau ruột thừa, yêu cầu người nhà ký mổ, nhưng khi mổ ruột thừa thì bộ phận này nguyên vẹn rồi chuyển sang thủng bao tử. Do chẩn đoán sai, thiếu kinh nghiệm mới dẫn đến cái chết oan uổng cho cháu tôi nên cần phải làm rõ”.

Hai đưa con của anh Sang ngây thơ trước cái chết của cha
Hai đưa con của anh Sang ngây thơ trước cái chết của cha

Liên quan đến việc này, bác sỹ Dương Đình Vũ, đại diện Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long, cho biết: “Bác sỹ thực hiện ca mổ cho bệnh nhân Sang có kinh nghiệm trên 30 năm. Đây là trường hợp ngoài ý muốn, bệnh nhân nhiễm trùng rất nặng, khó điều trị. Sau ca mổ bệnh nhân tỉnh, bụng vẫn còn đau và hơi chướng, xuất hiện tình trạng sốt, huyết áp tụt, bệnh nhân được hồi sức tích cực. Sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng tử vong trên đường cấp cứu. Hiện chưa thể kết luận được gì, phải chờ kết quả điều tra của ngành chức năng trong thời gian tới”.

Cũng theo bác sỹ Vũ, gia đình anh Sang kéo đến bệnh viện phản ứng là vì tại sao “mổ ruột thừa” nhưng cuối cùng lại ra “thủng bao tử”. Lúc chuyển tuyến, bệnh nhân tử vong trên đường cấp cứu, đáng lẽ phải về bệnh viện làm thủ tục nhưng sau lại đưa thẳng về nhà. Tiếp theo gia đình yêu cầu làm hồ sơ bệnh án thì bệnh viện không cho.

Tại cuộc họp Ban Giám đốc bệnh viện vào chiều 12/1, có đại diện Sở Y tế, Công an tỉnh Vĩnh Long tham dự, phía Bệnh viện đã giải thích cho người nhà bệnh nhân Sang như sau: Thứ nhất, về chẩn đoán viêm ruột thừa, trong sách vở vẫn cho phép tỷ lệ sai là “thủng tá tràng”. Nếu thủng tá tràng thì dịch từ bao tử sẽ đổ xuống hố chậu phải, trường hợp này bệnh nhân sẽ giống như “đau ruột thừa”. 

Thứ hai, trên đường chuyển viện, thường bệnh nhân tử vong thì sẽ đưa luôn về nhà, thủ tục sẽ làm sau. Còn hồ sơ bệnh án là quy định của pháp luật, được xem hồ sơ bệnh án phải là cơ quan chức năng, hoặc phải có giấy giới thiệu, người nhà không được xem hồ sơ bệnh án, đó là quy định chung.

Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long, nơi xảy ra vụ việc
Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long, nơi xảy ra vụ việc

Ban Giám đốc Bệnh viện cũng khẳng định lỗi của bác sỹ là không thông báo cho gia đình bệnh nhân. Bởi vì, trước khi thực hiện ca mổ, nếu phát hiện khác với chẩn đoán thì bác sỹ phải báo ngay với người nhà. Đây là lỗi không giải thích cho người nhà bệnh nhân. Khi đi bệnh nhân ra phòng hậu phẫu thì trở nặng, huyết áp tụt, do tình trạng nhiễm trùng khiến gia đình bức xúc và đặt câu hỏi, tại sao mổ ruột thừa lại chết.

Hiện tại, phía bệnh viện đang phối hợp với Cơ quan điều tra, Sở Y tế, Hội đồng chuyên môn, Hội đồng kỹ thuật để sớm xác định rõ nguyên nhân tử vong từ đó sẽ có cơ sở xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Minh Giang