1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh nhân suýt liệt cơ hô hấp do bị rắn cắn lúc ngủ trưa

(Dân trí) - Đang trong giờ ngủ trưa, chị Tạ Thị Năm (sinh năm 1968, ở Bắc Ninh) bất chợt tỉnh giấc nhưng không mở nổi mắt, mắt cứ như muốn sụp xuống. Sau đó ít phút, chị xuất hiện thêm triệu chứng khó thở nên đã được đưa đi cấp cứu và các bác sĩ cho biết dấu hiệu của chị là do bị rắn cạp nia cắn.

 

Bệnh nhân suýt liệt cơ hô hấp do bị rắn cắn lúc ngủ trưa - 1

Trước đó, ngày 28/9 bệnh nhân Năm được đưa đến BV Bắc Ninh cấp cứu và được chẩn đoán theo dõi rắn cắn. Tại bệnh viện Bắc Ninh, tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh, bệnh nhân phải thở máy và được chuyển ngay lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chị Năm khi đang nằm ngủ trưa tại căn nhà giữa cánh đồng thì chợt tỉnh giấc vì cảm thấy nôn nao khó chịu trong người. Tuy nhiên muốn mở mắt ra mà không mở nổi vì mí cứ sụp xuống, không thở được và được cháu ruột đưa đi bệnh viện gấp.

Bác sĩ điều trị Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết dấu hiệu liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp của bệnh nhân là do bị rắn cạp nia cắn. Sau 2 tuần điều trị tích cực bệnh nhân đã thoát thở máy, tự thở.

Tuy bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch nhưng trong một vài tháng tới bệnh nhân vẫn phải chịu đau đớn do tác động của nọc rắn lên hệ thần kinh.

Các bác sĩ cảnh báo, tình trạng bị rắn cắn khi đang ngủ khá phổ biến. Vì thế, ở những vùng có nguy cơ có rắn, mọi người cần phải thận trọng, phát quang bờ bụi nơi trú ẩn của rắn, khi ngủ cần buông màn, cài kỹ để rắn không xâm nhập vào giường cắn người. Khi không may bị rắn cắn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở cấp cứu. Nếu đập hoặc bắt được rắn không nên vứt đi mà để trong túi ni lon mang đến bệnh viện để các bác sĩ xác định nhanh chóng loại rắn độc, do mỗi loại rắn có một đặc tính gây độc khác nhau, khi xác định sớm sẽ có phương pháp điều trị thích hợp, giúp giảm ảnh hưởng xấu nhất của nọc độc rắn.

Tú Anh