Bệnh nhân nguy kịch vì nuốt xương vịt, đầu bút chì

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chiếc xương vịt xuyên 2 thành thực quản, khiến người phụ nữ ở TPHCM có nguy cơ tràn khí dưới da cổ và ngực, nguy hiểm tính mạng. Bà cũng không thể ăn uống bằng miệng suốt 8 ngày sau nội soi.

Nhiều bệnh viện tại TPHCM thời gian qua liên tiếp phải cấp cứu những trường hợp hóc dị vật nguy hiểm, ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Điển hình là trường hợp của bà V.T.M. (65 tuổi, ngụ TPHCM), nhập viện vì hóc xương vịt khoảng 3 ngày, với các biểu hiện là nuốt vướng và đau nhiều vùng cổ. Đi khám tại một cơ sở y tế gần nhà, bệnh nhân không thể gắp dị vật qua nội soi, nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tại khoa Cấp cứu, người bệnh được chụp CT scan cổ ngực, ghi nhận dị vật đã xuyên 2 thành thực quản, nhưng một lần nữa nội soi lấy dị vật không thành công. Ngay trong đêm, bác sĩ cấp cứu hội chẩn với chuyên khoa Ngoại Tổng quát và Ngoại Lồng ngực mạch máu - Bướu cổ ngay trong đêm. Chẩn đoán sau đó là có dị vật và áp xe ở trung thất.

Bệnh nhân nguy kịch vì nuốt xương vịt, đầu bút chì - 1

Chiếc xương vịt kích thước lớn chắn ngang 2 thành thực quản của nữ bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, cho biết, do kích thước của dị vật lớn, sắc nhọn và nằm ở vị trí xuyên 2 thành thực quản nên rất khó lấy và có nhiều nguy cơ gây tổn thương vùng này. Thêm vào đó, dị vật đang gây áp xe, nếu không xử lý sớm sẽ gây tràn khí dưới da vùng cổ và ngực, nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.

Khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, ê-kíp điều trị quyết định gây mê nội khí quản để nội soi thực quản, lấy dị vật. Sau nhiều nỗ lực và kiên trì, cuối cùng, chiếc xương vịt có kích thước 20x3mm, cạnh sắc nhọn, 2 đầu đâm xuyên 2 thành thực quản được giải phóng khỏi cơ thể bệnh nhân.

Ngay khi lấy dị vật, nhiều dịch mủ trắng đục cũng trào ra từ lỗ thủng xuyên thành thực quản.

Bệnh nhân nguy kịch vì nuốt xương vịt, đầu bút chì - 2

Sau khi lấy dị vật và điều trị tích cực, bệnh nhân dần khỏe lại (Ảnh: BV).

8 ngày sau đó, bệnh nhân phải nhịn ăn uống qua đường miệng, truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, dùng kháng sinh phổ rộng phối hợp để điều trị phần mủ áp xe quanh thực quản.

Một tuần sau khi được phẫu thuật gắp dị vật, kết quả xét nghiệm của người bệnh được cải thiện, dấu hiệu nhiễm trùng giảm và về bình thường.

Sau 8 ngày nhịn ăn uống hoàn toàn bằng đường miệng, bệnh nhân được tập uống nước và ăn cháo loãng, sau đó xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM), các bác sĩ cũng vừa kịp thời cứu mạng một bé trai 7 tuổi, ngụ Sóc Trăng. Trước đó, bé được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên TPHCM ngày 24/3, với chẩn đoán dị vật đường thở.

Bệnh sử ghi nhận, khi bé có ngậm đầu bút chì thì vô tình hút sặc, nuốt đầu bút vào bụng. Dị vật sau đó lọt sâu xuống tận phế quản làm cho bé ho, khò khè, khó thở.

Tiếp nhận bệnh nhi, ê-kíp nội soi của khoa Hô hấp cùng ê-kíp gây mê của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã cùng phối hợp điều trị.

Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện dị vật nằm sâu và bít hoàn toàn lòng phế quản, nên việc lấy ra ngoài là một thử thách không hề nhỏ. Sau thời gian căng thẳng tập trung vào màn hình máy soi thao tác cẩn thận, "thủ phạm" đe dọa sự sống của bệnh nhi là chiếc đầu bút chì đã được kéo ra khỏi đường thở.

Bệnh nhân nguy kịch vì nuốt xương vịt, đầu bút chì - 3

Đầu bút bi sau khi được các bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể cháu bé 7 tuổi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Để phòng ngừa hóc dị vật nguy hiểm, các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên ăn uống vội vàng. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn.

Phụ huynh cũng cần hết sức chú ý khi chọn lựa đồ chơi, để phù hợp với lứa tuổi của con. Không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi khi đang ăn, hay chơi các đồ chơi, thức ăn hạt nhỏ ở độ tuổi dễ ngậm, mút mọi vật.

Khi bị hóc dị vật, người dân không nên chữa mẹo mà cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng.