1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cấp cứu sau khi ăn trứng vịt lộn vì thủ phạm không ngờ

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong suốt 3 ngày trước khi đến viện, bệnh nhân không thể ăn uống được gì, khó chịu và mệt mỏi nhiều, không đi tiểu được.

Trong lúc đang ăn trứng vịt lộn, anh Đ.V.T., 34 tuổi trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh đột nhiên ho sặc sụa, nôn. Anh T. có tiền sử thiểu năng trí tuệ từ nhỏ nên nghĩ anh chỉ bị sặc đơn thuần, mà gia đình cũng không đưa anh đi khám hay kiểm tra.

Tuy nhiên trong suốt 3 ngày trước khi đến viện, anh T. không thể ăn uống được gì, khó chịu, mệt mỏi nhiều, không đi tiểu được. Lúc này gia đình mới đưa anh đến khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Sau khi tiến hành thăm khám và khai thác thông tin, các bác sĩ đánh giá người bệnh bị hóc dị vật.

Bên cạnh đó, do 3 ngày liên tục người bệnh không ăn uống được gì nên xét nghiệm có tình trạng suy thận cấp nặng với mức creatinin là 766 mcmol/l (chỉ số người bình thường mức creatinin là 74-110mcmol/l).

Người bệnh được chỉ định nội soi thực quản dạ dày tá tràng cấp cứu để chẩn đoán, lấy dị vật, truyền dịch và lợi tiểu tích cực, lọc máu cấp cứu ngay sau khi can thiệp nội soi.

Cấp cứu sau khi ăn trứng vịt lộn vì thủ phạm không ngờ - 1

Phần cùi trắng trong trứng vịt lộn mà người bệnh bị hóc (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Khi tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện ở thực quản tại vị trí cách cung răng trước 15cm có một dị vật thực quản rắn chắc, bề mặt nhẵn, kích thước khoảng 4x4cm che kín gần hết lòng thực quản.

Các bác sĩ đã tiến hành đưa dị vật xuống dạ dày và dùng dụng cụ đưa dị vật ra ngoài an toàn, tránh để dị vật di chuyển xuống ruột có thể sẽ gây tắc ruột. Tại vị trí phía trên của dị vật có nhiều giả mạc và phù nề do dị vật ứ đọng lại ở thực quản. Dị vật được lấy ra ngoài là phần cùi trắng trong trứng vịt lộn.

Đây là một trường hợp tương đối đặc biệt và phức tạp vì người bệnh có tiền sử thiểu năng trí tuệ, bác sĩ không tiếp xúc được với người bệnh, mọi thông tin đều khai thác qua người nhà người bệnh, cùng với đó là tình trạng xét nghiệm rất xấu tại thời điểm nhập viện.

Bên cạnh đó, việc xử trí trường hợp này cũng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như: Nội tiêu hóa, Tai mũi họng, Gây mê hồi sức, Thận tiết niệu, để vừa nhanh chóng lấy dị vật ra ngoài an toàn, cũng như điều chỉnh tình trạng suy thận cho người bệnh. Vì nếu không kịp thời người bệnh sẽ phải đối mặt với các nguy cơ như nhiễm trùng nặng, vô niệu... thậm chí tử vong.

Dị vật thực quản ở người lớn không phải hiếm gặp, dị vật thường thấy như xương cá, xương gà, mảnh gỗ, thủy tinh, hạt hồng xiêm, miếng thịt lớn… Dị vật thực quản thường hay xảy ra ở những vị trí hẹp sinh lý của thực quản, trên nền có u thực quản hoặc một số bệnh lý liên quan đến cơ chế nuốt của thực quản, hoặc do người bệnh ăn miếng thức ăn quá lớn, nhai không kĩ, người có răng giả, hoặc có bệnh lý tâm thần kinh tương tự như người bệnh T.

Các biến chứng của dị vật thực quản gây ra như: thủng ống tiêu hóa, gây áp xe trung thất và có thể dẫn tới tử vong nhất là các dị vật sắc nhọn mắc ở thực quản ngực; gây tắc nghẽn quá trình ăn uống của người bệnh, dẫn đến các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa như suy thận cấp giống người bệnh T.

Để phòng ngừa hóc dị vật đường ăn, bác sĩ khuyến cáo:

- Cần thận trọng khi ăn các món ăn có xương nhỏ. Đặc biệt với trẻ em, người già nên tách xương khỏi món ăn.

- Những người có răng giả cần đề phòng nguy cơ răng bị rơi ra, gây hóc.

- Khi sử dụng rượu bia, nên tránh các món ăn có xương dễ gây hóc.

- Không nên cười đùa trong khi ăn uống.

- Để các vật nhỏ như viên pin, viên bi, mảnh đồ chơi ra khỏi tầm với của trẻ em.