Bệnh nhân bị tái viêm ruột thừa do bác sĩ tuyến trước... mổ sót

(Dân trí) - Được bệnh viện địa phương mổ ruột thừa từ 3 năm trước nhưng mới đây ngư dân Trần Đệ phải chuyển cấp cứu bằng trực thăng từ biển vào đất liền vì đau bụng dữ dội. Quá trình phẫu thuật, ê kíp bác sĩ phát hiện, đoạn ruột thừa còn sót lại đã gây viêm nhiễm.

Đó là trường hợp của ông Trần Đệ (58 tuổi, quê Bình Thuận) làm nghề đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa thuộc lãnh hải của Việt Nam. Khi đang làm việc trên biển, ông Đệ bị đau bụng, cảm giác đau tăng dần, được tàu cá đưa vào Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu.

Bệnh nhân bị tái viêm ruột thừa do bác sĩ tuyến trước... mổ sót  - 1

Bệnh nhân Trần Đệ được chăm sóc tại Bệnh viện Quân Y 175

Sau điều tra bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã được mổ ruột thừa 3 năm trước. Qua thăm khám và hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Quân Y 175, các bác sĩ nhận định bệnh nhân Đệ bị tắc ruột cơ học do dính sau mổ ruột thừa. Bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc và bị giảm áp do lặn sâu. Nhận định, đây là ca bệnh khó, ngay lập tức trực thăng cấp cứu cất cánh ra đảo, đưa người bệnh vào đất liền điều trị.

TS.BS Trịnh Văn Thảo, Chủ nhiệm Khoa ngoại bụng Bệnh viện Quân Y 175 cho hay: “Đây là một bệnh cảnh rất khó, bệnh nhân vừa bị nhiễm trùng bên hố chậu phải, vừa bị tắc ruột. Bệnh nhân đã mổ ruột thừa rồi nên trong đầu của các bác sĩ ngoại khoa sẽ không bao giờ nghĩ là người bệnh còn ruột thừa nữa. Tỷ lệ mổ sót rất hiếm nên bác sĩ gần như sẽ nghĩ tới những bệnh lý khác”.

Bệnh nhân bị tái viêm ruột thừa do bác sĩ tuyến trước... mổ sót  - 2

TS.BS Trịnh Văn Thảo thăm khám cho người bệnh

Khi mổ cho bệnh nhân, kết quả đúng như dự đoán ban đầu về ổ áp xe, viêm phúc mạc thành bụng. “Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu nó là cái gì. Tôi đã lật toàn bộ đại tràng phải vào trong thì thấy còn một đoạn ruột thừa dài khoảng 5cm quay sau manh tràng, không còn liên tục với manh tràng. Đoạn gốc đã được tuyến trước cắt, còn đoạn thân và đoạn ngọn quay lên gần góc gan. Đây chính là nguyên nhân gây viêm phúc mạc, áp xe sau manh tràng, cộng thêm bệnh nhân có dính ruột sau mổ lần trước” – TS Thảo cho hay.

Cái khó của ca bệnh suýt đánh lừa cả bác sĩ chính là việc bệnh nhân đã mổ ruột thừa nhưng vẫn còn ruột thừa. Theo TS Trịnh Văn Thảo: “Bệnh lý viêm ruột thừa sẽ không được nghĩ tới ở những ca đã mổ ruột thừa, bác sĩ sẽ bị phân tán khi chẩn đoán bệnh. Thông thường những ca mổ từng mổ ruột thừa, phẫu thuật viên sẽ đào đến tận cùng để loại bỏ triệt để nhưng không hiểu sao tuyến trước họ lại bỏ sót như thế”.

Bệnh nhân bị tái viêm ruột thừa do bác sĩ tuyến trước... mổ sót  - 3

Đại diện Ban giám đốc bệnh viện thăm hỏi, chúc mừng bệnh nhân trước khi xuất viện

Việc chuyển bệnh vào đất liền sớm và chỉ định mổ kịp thời, tìm ra được nguyên nhân đã giúp bệnh nhân tránh được tình trạng nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan. 10 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã bình phục tốt, không còn tình trạng nhiễm trùng, tình trạng tắc ruột không còn, bệnh nhân có thể tự đi lại, ăn uống bình thường. Ngư dân Trần Đệ cho hay, sau khi xuất viện về quê, sức khỏe ổn định ông sẽ tiếp tục ra khơi bánh bắt trên ngư trường truyền thống của Tổ quốc.

Như thông tin Dân trí đã đăng trong bài viết: “Trực thăng vượt màn đêm đưa bệnh nhân từ biển vào đất liền”, ông Đệ là ngư dân trên Tàu cá mang số hiệu QNg 96354 TS. Trước đó, ông cùng 14 thuyền viên đang đánh bắt cá trên ngư trường đảo Đá Tây huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thuộc lãnh hải của Việt Nam thì bị đau bụng vùng quanh rốn, kèm theo buồn nôn, đau nhiều 2 bên hạ sườn, đau lan ra sau lưng. Tình trạng đau tăng dần nên được tàu cá chuyển đến Bệnh xã đảo Trường Sa cấp cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Quân Y 175 bằng trực thăng.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm