Bệnh lao âm thầm lây lan trong cộng đồng
(Dân trí) - Mỗi năm nước ta có hơn 170.000 ca mắc lao mới nhưng mới chỉ phát hiện, đưa vào điều trị, báo cáo hơn 100.000 người. Khoảng 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện hoặc báo cáo.
Ngày 22/12, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024.
Tiến sĩ - Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho biết, công tác phát hiện ca bệnh lao đã hồi phục lại bằng thời điểm trước dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, mục tiêu chấm dứt bệnh lao bị kéo dài hơn.
"Chúng ta cần phấn đấu, nỗ lực hết sức trong công tác phòng chống lao, biết đâu có thể đạt được mục tiêu kết thúc bệnh lao vào trước năm 2035, đến năm 2030 cơ bản đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao", ông Lượng kỳ vọng.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến Covid-19. Điều này đã giúp cải thiện những tác động tiêu cực của đại dịch đối với số người chết và mắc lao trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau Covid-19. Các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao vẫn đang hoàn toàn bị chậm tiến độ.
Theo PGS Hòa, số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995. Con số có thể bao gồm một lượng lớn những ca bệnh đã tồn đọng trong những năm trước nhưng việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn do những tác động của dịch Covid-19.
Uớc tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao vào năm 2022, trong đó tỷ lệ mắc lao ở trẻ em chiếm 12%
PGS Hòa cho biết thêm, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
"Điều đáng lo ngại là mỗi năm Việt Nam có hơn 170.000 ca mắc lao nhưng chỉ đưa vào điều trị và báo cáo khoảng 100.000 người. Như vậy có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc báo cáo vẫn ở trong cộng đồng", PGS Hòa nhấn mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện hơn 78.000 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2021 (năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19). Số lượng bệnh nhân phát hiện lao kháng đa thuốc cũng cao hơn so với các năm trước.
Trong năm nay, Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn quỹ Bảo hiểm y tế.
Mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân.