Bệnh ho gà tái xuất: Gần 10 trẻ nằm viện

(Dân trí) - PGS TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, Trước đây, ho gà vốn là bệnh “hiếm” bởi đã được bảo vệ bằng vắc - xin nay xuất hiện trở lại, với trẻ mắc ho gà dẫn đến suy hô hấp, trong đó bé nhỏ nhất mới 1 tháng tuổi.

Đã điều trị tại khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) được vài ngày nhưng bé N.P (5 tháng tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn liên tục xuất hiện cũng cơn ho rũ rượi, đến mức có những lúc bệnh nhi ngừng thở vì ho.

Trước đó, bệnh nhi được điều trị viêm phổi tại BV khác nhưng tiêm kháng sinh cả đợt mà cháu vẫn chưa lúc nào ngừng cơn ho. Khi được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm mẫu đờm thì xác định bé bị ho gà.

1-hoga-c0271

Chị Nguyễn Thu Hằng, mẹ bé N.P cho biết, con chị đã 5 tháng tuổi nhưng mới tiêm được 1 mũi vắc xin 5 trong một. Những lần sau, cứ đến lịch tiêm nhắc là cu cậu sốt nên cán bộ y tế không cho tiêm.

Một trường hợp bệnh nhi khác là con chị Nguyễn Thị Hương (Mễ Trì, Hà Nội) cũng cũng mới được tiêm một mũi vắc xin. “Sau mũi đầu tiên tiêm về bé sốt 38,5 độ C, quấy khóc mất nửa ngày nên nghĩ đến em ngại chưa cho con đi tiêm nhắc lại”, chị Hương nói.

PGS TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Trước đây, ho gà vốn là bệnh “hiếm” và lâu không không tái xuất bởi đã được bảo vệ bằng vắc xin. Nhưng nay tại khoa đang có 8 trẻ mắc ho gà phải điều trị. Số trẻ mắc chủ yếu ở độ tuổi từ 2 - 7 tháng, trong đó phần lớn các bé mắc ho gà đều không được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.

Cá biệt, TS Huy đã từng gặp trường hợp bệnh nhi ho gà mới hơn 1 tháng tuổi. “Dù trẻ rất nhỏ, tiếp xúc môi trường chưa nhiều nhưng những trẻ này thường là sinh ra từ những người mẹ chưa có kháng thể ho gà. Chính những người mẹ này khi nhỏ cũng chưa được tiêm phòng nên khi mang thai không có kháng thể để truyền cho con. Đây là lý do khi trẻ chào đời, không có kháng thể gặp phải khuẩn ho gà là lập tức mắc bệnh”, TS Huy giải thích.

Khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Những cơn ho như rút ruột, rút gan trẻ, ho mạnh có thể gây biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi do ho quá mạnh. Khi ho trẻ thường bị chảy nước mắt nước mũi, thậm chí xuất tiết mắt và con ho dữ dội, kéo dài. Có những trẻ mắc căn bệnh này ho đến cả vài tháng trời.

“Nhìn con ho mà thắt lòng, thắt ruột không biết làm gì cho con, chỉ biết bế con vỗ lưng con mà mẹ nước mắt lưng tròng vì ân hận. Giá như không sợ con sốt, con quấy khóc mà đưa con đi tiêm nhắc đúng lịch. Chăm con từng này ngày trong viện, con ho từng cơn liên tục không ăn, không uống được vất vả hơn nhiều so với con quấy sốt nửa ngày sau tiêm”, chị Hương chia sẻ.

TS Huy lưu ý thêm, ho gà là một bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp (vi khuẩn có trong dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí qua ho, hắt hơi, ôm hôm… ) nên ông khuyến cáo thân nhân bệnh nhi không nhất thiết phải đến thăm trẻ tại viện để phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

“Với trẻ em khi xuất hiện những cơn ho kéo dài mà chưa được tiêm phòng vắc xin ho gà cần nghĩ đến nguy cơ này để đưa trẻ đi khám điều trị sớm. Tuyệt đối không tự điều trị, đến lúc trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp”, TS Huy nói.

Tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin. Vì vậy cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch. Hiện nay, trẻ từ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin 5 trong 1 (phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib) và tiêm nhắc lại mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng. Nhiều bà mẹ chủ quan chỉ tiêm một mũi và bỏ qua không tiêm chủng vắc xin chưa đủ để tạo kháng thể, trẻ có thể mắc ho gà.

Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.

Hồng Hải