Bệnh hiếm toàn thế giới khiến thai phụ 21 tuổi "lộn" ruột lên phổi lâm nguy

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thời điểm nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, thai phụ 21 tuổi đã thoát vị hoàn toàn dạ dày, ruột non lên phổi. Theo y văn, hơn 100 năm qua, thế giới mới ghi nhận khoảng 160 ca bệnh có tình trạng tương tự.

Chiều 14/3, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa phối hợp với một bệnh viện chuyên khoa Sản tuyến cuối điều trị thành công cho 1 thai phụ bị thoát vị hoành nghẹt hiếm gặp.

Bệnh hiếm khiến ruột "lộn" lên phổi

Bệnh nhân là chị N.T.M.T. (21 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp). Trước đó vào ngày 29/1, chị T. được chuyển từ tuyến tỉnh đến TPHCM khi đang mang thai 33 tuần, trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng mẹ và thai nhi.

Trước tình trạng nguy cấp trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa, với sự tham dự của các khoa Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại tiêu hóa, Ngoại lồng ngực, Gây mê hồi sức...

Song song đó, nơi này cũng tiến hành hội chẩn với chuyên khoa Sản của Bệnh viện Hùng Vương, nhằm tìm ra phương án tốt nhất để có thể kịp thời cứu sống 2 mạng người.

Bệnh hiếm toàn thế giới khiến thai phụ 21 tuổi lộn ruột lên phổi lâm nguy - 1

Nữ bệnh nhân mắc căn bệnh hiếm gặp gây thoát vị ruột và các tạng lên phổi (Ảnh: BV).

Các bác sĩ xác định, đây là trường hợp bị thoát vị hoành trái bẩm sinh nghẹt kiểu Bochdalek. Tình trạng này làm bệnh nhân thoát vị hoàn toàn dạ dày, ruột non và đại tràng ngang lách, tụy lên phổi. Theo y văn, hơn 100 năm qua, thế giới mới ghi nhận khoảng 160 ca bệnh có tình trạng tương tự.

Sau khi hội chẩn chuyên sâu, các bác sĩ 2 bệnh viện thống nhất sử dụng thuốc trợ não và hỗ trợ trưởng thành phổi, để đảm bảo bé có diễn biến tốt hơn về hô hấp, giảm các di chứng về sau. Bệnh nhân cũng được đặt sonde giải áp dạ dày để cải thiện tình trạng căng cứng, thiếu máu của khối thoát vị, dùng kháng sinh mạnh liều cao để hỗ trợ xử lý nhiễm trùng phổi cho thai phụ.

Chị T. được phẫu thuật cấp cứu kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ trong đêm. Đặc biệt, ca mổ thực hiện hoàn toàn bằng nội soi, nhằm hạn chế kích thích đến tử cung, để bảo tồn thai nhi. Thời điểm này, toàn bộ dạ dày, ruột non và các tạng thoát vị của bệnh nhân chưa có dấu hiệu hoại tử, chỉ có một phần mặt trước dạ dày bị bầm máu.

Bệnh nhân được khâu phục hồi lại cơ hoành trái cũng như đặt lưới chống dính 2 mặt, ngăn sự tái phát và đặt dẫn lưu màng phổi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu trong trạng thái còn suy hô hấp nặng, thở máy, tiên lượng phải đặt ECMO. Đồng thời, em bé trong bụng có dấu hiệu suy thai sau 36 giờ.

Bệnh hiếm toàn thế giới khiến thai phụ 21 tuổi lộn ruột lên phổi lâm nguy - 2

Sản phụ thời điểm được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy sau mổ bắt con (Ảnh: BV).

Đối diện với tình huống đã được dự đoán từ trước, 2 bệnh viện khẩn trương hội chẩn lại để ra quyết định phẫu thuật mổ lấy thai. Ca mổ này diễn ra trong vòng 40 phút, thành công cứu sống một bé gái nặng 2kg. Em bé được đưa về Bệnh viện Hùng Vương nuôi dưỡng ngay sau đó, trong khi người mẹ tiếp tục nằm hồi sức ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau một ngày, tình trạng hô hấp của người mẹ cải thiện rõ, các chỉ số sinh hiệu đã hồi phục tốt. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện.

Đến nay sau 1 tháng xuất viện, bệnh nhân tái khám khi đã ăn uống và vệ sinh tốt, không đau bụng, các vết mổ đã cắt chỉ và lành. Kết quả CT Scan ngực - bụng kiểm tra cho thấy các tạng trong ổ bụng nằm đúng vị trí, 2 phổi nở tốt. Riêng em bé cũng khỏe mạnh, bú tốt và lên cân đều.

"Căng não" cả trước lẫn sau khi mổ bắt con

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Vũ Đức, khoa Ngoại tiêu hóa của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, theo bệnh sử, trước đó bệnh nhân có sức khỏe bình thường. Cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân mới bắt đầu đau bụng, khó thở. Khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân gần như rơi vào suy hô hấp, các tạng như dạ dày, lách, đại tràng ngang… đã thoát vị lên lồng ngực, làm phổi bên trái xẹp hoàn toàn.

Bệnh hiếm toàn thế giới khiến thai phụ 21 tuổi lộn ruột lên phổi lâm nguy - 3

Sản phụ hồi phục ngoạn mục, hạnh phúc bên chồng và con mới sinh (Ảnh: BV).

"Nếu chúng tôi mổ hở sẽ dễ dàng cho ekip, nhưng thai phụ sẽ dễ va chạm đến tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai, suy thai, cũng như làm tổn thương cho người mẹ. Nhờ mổ nội soi, tất cả các tạng thoát vị của bệnh nhân đã được giải phóng.

Đến thời điểm mổ lấy thai, thuốc hỗ trợ phổi giúp thai nhi trưởng thành đã đủ liều, đảm bảo cho em bé an toàn hơn. Việc cứu sống được cả mẹ lẫn con là sự may mắn, nỗ lực của ekip 2 bệnh viện", bác sĩ Đức chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, khó khăn lớn nhất giai đoạn đầu sau mổ là việc ngoài hồi sức tối ưu đảm bảo tính mạng thai phụ, ekip còn phải bảo vệ thai nhi không bị tình trạng suy hô hấp của mẹ ảnh hưởng.

Đồng thời, phải quyết định được thời điểm chấm dứt thai kỳ kịp lúc, cứu được con. Sau khi bé được cứu sống, các bác sĩ lại tiếp tục tìm cách đảm bảo thai phụ có thể được rút nội khí quản sớm.

Bác sĩ Linh gửi lời khuyên đến nhóm phụ nữ đang mang thai, khi có những dấu hiệu bất thường như khó thở, ăn uống kém, nôn ói hay các triệu chứng liên quan đến bệnh lý dạ dày, ruột… thì nên đến cơ sở y tế có các chuyên khoa sâu để chủ động kiểm tra sức khỏe thai sản, phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.

Phó giáo sư Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, thoát vị hoành bẩm sinh thường nằm bên trái và gặp ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ gặp ở người lớn và đặc biệt ở thai phụ rất hiếm gặp, đồng thời tỷ lệ tử vong vì suy hô hấp rất cao.

Bệnh hiếm toàn thế giới khiến thai phụ 21 tuổi lộn ruột lên phổi lâm nguy - 4

Phó giáo sư Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về ca bệnh hiếm (Ảnh: Hoàng Lê).

Những năm gần đây với sự phát triển của y học, việc điều trị bằng nội soi được ứng dụng rộng rãi, giúp khả năng cứu sống bệnh nhân tăng lên.

Trường hợp trên cũng là ca bệnh thoát vị hoành trái bẩm sinh nghẹt kiểu Bochdalek gặp trên thai phụ đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận.