Bệnh “da lạ” ở Quảng Ngãi là một loại nhiễm độc mạn tính

(Dân trí) - Ngày 28/6, Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố chung về hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi. Nhiều tổ chức quốc tế phối hợp với Việt Nam trong việc ứng phó với căn bệnh này.

Theo Bộ Y tế, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mang đặc tính một loại nhiễm độc mạn tính, có thể dẫn đến viêm và thương tổn ở tay, chân và gan. Người mắc hội chứng này hiện chỉ được phát hiện tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Những trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 19/4/2011 tại huyện Ba Tơ. Tính đến ngày 28/6/2012 đã ghi nhận 216 trường hợp mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong, tại 5 xã (Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Tô) của huyện Ba Tơ. Hiện có 18 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế thuộc tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận.

Dù Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành một số điều tra thực địa tập trung vào lĩnh vực dịch tễ, lâm sàng, bệnh nghề nghiệp, dinh dưỡng, độc tố và các yếu tố môi trường nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, kết quả điều tra cho thấy hội chứng viên da dày sừng bàn tay, bàn chân chưa có bằng chứng do nguyên nhân nhiễm trùng. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này bị suy dinh dưỡng và có tổn thương gan; loại gạo mà nhiều bệnh nhân ăn tìm thấy chất aflatoxins gây độc cho cơ thể. Đến nay, không có bằng chứng kim loại nặng hay hóa chất nông nghiệp có hàm lượng cao trong các mẫu phẩm ở người và môi trường;

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (USCDC) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam trong việc ứng phó với căn bệnh này. Đầu tháng 6 năm 2012, hai chuyên gia của WHO và USCDC đã được mời đến tư vấn và làm việc với Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Các chuyên gia đã thảo luận với cán bộ điều tra Việt Nam về vụ dịch, xem xét các dữ liệu đã thu thập và đưa ra các khuyến nghị cho các nghiên cứu bổ sung và xét nghiệm nhằm hướng dẫn các can thiệp cũng như định hướng điều tra chuyên sâu.

“Chúng tôi ủng hộ các biện pháp can thiệp mà Bộ Y tế đang triển khai để kiểm soát các trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi và tin tưởng rằng Bộ Y tế đang đi đúng hướng. Do chúng ta chưa biết được nguyên nhân của hội chứng và nguồn gốc gây bệnh, việc tìm nguyên nhân có thể kéo dài hơn dự kiến và là một thử thách”, TS Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung mọi nỗ lực vào điều trị bệnh nhân và giám sát các trường hợp mắc mới. Các điều tra tiếp theo sẽ được tiến hành để đo lường và đánh giá hiệu quả các can thiệp cũng như để xác định các yếu tố nguy cơ khác của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. WHO và USCDC sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật cho Bộ Y tế Việt Nam.

Hồng Hải