Bé trai sốc phản vệ 2 lần vì cắt amidan
(Dân trí) - Vừa dứt mũi thuốc tiền mê để phẫu thuật cắt amidan, bé P.L.C.H (4 tuổi, Hà Tĩnh) đã rơi vào trạng thái ngừng tim, ngừng thở do sốc phản vệ.
Sau hơn 1 tháng điều trị, sáng 1/10, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), vui mừng thông báo đã cứu được bệnh nhi từng có tiên lượng rất nặng (rơi vào tình trạng thiếu ôxy não nặng, suy hô hấp) đã gần như hồi phục hoàn toàn.
Hình ảnh chụp MRI sọ não (hình bên trái) cho thấy não bị tổn thương nặng vì thiếu oxy.
Trước đó tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, bé C.H được chỉ định mổ cắt amidan quá phát ngày 23/8. Tuy nhiên, vừa dứt mũi tiêm gây mê, cháu H bị sốc phản vệ gây co thắt, phù nề thanh quản nên nhanh chóng rơi vào vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu, thở nội khí quản và chuyển ra phòng hồi sức đặc biệt. Sau khoảng 10 tiếng, bé C.H dần tỉnh, gia đình, các bác sĩ tưởng như đã cứu được tính mạng em bé.
“Tưởng con đã qua nguy hiểm, vậy mà mấy tiếng sau, con lại dần rơi vào trạng thái hôn mê. Từ lúc gọi còn tỉnh, biết đến khi lịm dần và sau một đêm, mắt con đã lác xệch một bên và hôn mê”, anh Phạm Lương Yên, bố cháu C.H, cho biết.
“Hiện bệnh nhi đã hiểu lời bác sĩ nói. Đó là một điều tuyệt vời nhất, cho thấy nhận thức em bé đang dần tốt lên. Phản xạ co chân tay của bé cũng đã tốt hơn. Điều này cho thấy não của bé đang dần phục hồi”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng vui mừng thông báo.
Dự kiến, sau khoảng 7 ngày bệnh nhi sẽ được xuất viện.
Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không lường trước được và là tai biến kinh hoàng cho cả thầy thuốc và gia đình. Đặc biệt, sốc phản vệ pha 2 rất hiếm gặp, chỉ gặp 5 - 10% trong tổng số các ca sốc phản vệ. Như tại BV Nhi khoa Boston trong vòng 14 năm mới ghi nhận 6 ca sốc pha thứ 2.
Sau sốc, bệnh nhân đã tỉnh táo lại nhưng sau 12 - 24 giờ đồng hồ, tình trạng sốc lại tái diễn. Thông thường, sốc lần một, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tim, ngừng thở nhưng ở sốc pha 2, tim mạch, tuần hoàn tốt nhưng hô hấp của bệnh nhân lại là vấn đề đáng lo ngại. Bởi toàn bộ đường hô hấp trẻ bị phù nề, trẻ dễ bị tắc thở nhanh, thiếu ô xy, hôn mê. |
Bài và ảnh: Hồng Hải