Bé trai bị thủng ruột vì 8 thanh nam châm xếp hình trong bụng

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều ngày không rõ nguyên nhân, bệnh nhi được bác sĩ phát hiện trong ổ bụng có nhiều dị vật xếp thành hình thang vuông. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi lấy ra 8 thanh nam châm hút chặt vào nhau gây thủng ruột bệnh nhi.

Ca bệnh hi hữu trên là trường hợp của bé trai 4 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk. Cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM thăm khám trong tình trạng đau bụng âm ỉ nhiều ngày không rõ nguyên nhân. Sau khi khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi có dị vật đường tiêu hóa nên cho nhập viện, tiến hành bước thăm khám, chẩn đoán chuyên môn sâu.

Bé trai bị thủng ruột vì 8 thanh nam châm xếp hình trong bụng - 1
Dị vật là những thanh nam châm xếp hình trong bụng bệnh nhi

Trên hình ảnh phim X-quang bác sĩ phát hiện trong ổ bụng bệnh nhi có dị vật cản quang xếp thành hình thang vuông. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ mẹ cậu bé ghi nhận, trước khi có biểu hiện đau bụng cậu bé thường chơi với những thanh nam châm có hình dạng tương tự như những dị vật trong bụng bệnh nhi.   

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu cho cậu bé. BS Lê Thọ Đức, phẫu thuật viên chính của cuộc nội soi cho biết, trên hình ảnh camera ghi nhận bệnh nhi bị thủng ruột nhiều nơi do 8 thanh man châm ở các quai ruột khác nhau hít lại với nhau, tì đè lên thành ruột gây thủng ruột. Ê kíp phẫu thuật đã phải tiến hành cắt nối, khâu lại các vị trí ruột thủng cho bệnh nhi. Ngày 5/8, sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe cậu bé đang dần bình phục. 

Bé trai bị thủng ruột vì 8 thanh nam châm xếp hình trong bụng - 2

8 thanh nam châm được bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy ra từ ruột bệnh nhi

Dị vật đường thở và dị vật đường tiêu hóa là tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày tiếp nhận trung bình từ 2 đến 3 trường hợp nuốt dị vật như viên bi, cúc áo, các mảnh đồ chơi không sắc nhọn hoặc các dị vật sắc nhọn như tăm tre, đinh sắt, trường hợp nuốt nam châm như bệnh nhi trên là ca bệnh khá hi hữu. 

Với những dị vật nhỏ, trơn không có nguy cơ gây tổn thương đường tiêu hóa, bệnh nhi sẽ được bác sĩ theo dõi đến khi dị vật được đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên. Tuy nhiên, những trường hợp dị vật quá lớn hoặc sắc nhọn sẽ phải tiến hành phẫu thuật để tránh nguy hiểm xảy ra.

Để tránh những tai nạn tương tự, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần thường xuyên để mắt đến con trẻ, không cho các bé chơi những món đồ sắc nhọn hoặc đồ vật có kích thước nhỏ có thể ngậm vào miệng hoặc nhét vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể. Khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời. 

Li Uyên