1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé trai 7 tuổi bị đột quỵ: Triệu chứng là gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Trước thời điểm nhập viện 5 ngày, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng yếu liệt tứ chi theo cơn ngắn, có tình trạng khó nói nhưng không sốt, không đau đầu, đại tiểu tiện tự chủ.

Bệnh nhi H.Đ.H., 7 tuổi, (trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng yếu liệt tứ chi kèm theo khó nói.

Trước đó 5 ngày, bé H. xuất hiện triệu chứng yếu liệt tứ chi theo cơn ngắn, có tình trạng khó nói nhưng không sốt, không đau đầu, đại tiểu tiện tự chủ.

Gia đình đưa bé tới khám tại trung tâm y tế huyện, trẻ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không phát hiện bất thường nên được yêu cầu tiếp tục theo dõi tại nhà.

Về nhà, trẻ xuất hiện cơn yếu liệt tứ chi dài hơn (khoảng 15-20 phút) kèm theo khó nói, đại tiểu tiện không tự chủ. Tuy nhiên, khi hết cơn yếu liệt, trẻ vận động đi lại và nói chuyện bình thường.

Bé trai 7 tuổi bị đột quỵ: Triệu chứng là gì? - 1

BS Nguyễn Võ Lộc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc thăm khám cho trẻ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau đó, trẻ tiếp tục xuất hiện tình trạng yếu liệt tứ chi nhưng kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ kèm theo tình trạng khó thở, khó nói, gia đình vội đưa bé tới Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thăm khám.

Thời điểm vào viện, trẻ khó thở nhiều phải thở oxy hỗ trợ, mệt mỏi, tứ chi yếu liệt, cơ lực còn 3/5, trẻ khó nói, không méo miệng, đại tiểu tiện không tự chủ, có dấu hiệu liệt thần kinh khu trú.

BS Nguyễn Võ Lộc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, chúng tôi ngay lập tức cho trẻ thực hiện các chỉ định cận lâm sàng để tìm nguyên nhân.

Trong đó, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não của trẻ cho thấy hình ảnh tổn thương phía trước cầu não. Do đây là một trường hợp bệnh lý hiếm gặp, chúng tôi đã mời hội chẩn kết quả phim với chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và thống nhất kết luận trẻ bị nhồi máu nhu mô não, cầu não và thân não".

Bệnh nhi được điều trị chống phù não và dùng thuốc chống đông theo phác đồ. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện khá nhiều, trẻ còn yếu chi nhẹ, cơ lực đạt 4/5, ăn uống được. Trẻ đã nói nhiều hơn nhưng còn khó và vẫn còn tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ.

Sau 20 ngày điều trị, trẻ đã đi lại được bình thường, nói rõ, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tự chủ, không sốt, không nôn, không đau đầu. Trẻ được cho xuất viện và hẹn tái khám sau 2 tuần.

Nhồi máu não là căn bệnh nguy hiểm rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng rất nặng nề như: rối loạn ngôn ngữ, liệt chân tay, nửa người, liệt cả người, không tự chủ được vận động thông thường, mất kiểm soát đại tiểu tiện do không thể tự chủ…

Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ, người chăm sóc cần đặc biệt quan tâm đến những dấu hiệu bất thường ở trẻ.

Đặc biệt, dấu hiệu yếu liệt chi thường là biểu hiện của nhiều bệnh lý thần kinh nặng. Do đó khi thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm này cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.