1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé trai 2 tuổi khổng lồ ở Hòa Bình: Quá bất thường!

Các bác sỹ rất lo lắng vì bé 2 tuổi mà nặng tới 30kg. Có thể Hồng Anh bị rối loạn nội tiết hoặc rối loạn chuyển hóa khiến cháu bị béo.

Hồng Anh bên anh trai Xa Tiến Thể năm nay đã 5 tuổi nhưng nặng có 12kg (Ảnh Dương Phạm) 

Hồng Anh bên anh trai Xa Tiến Thể năm nay đã 5 tuổi nhưng nặng có 12kg (Ảnh Dương Phạm) 

Cân nặng gấp đôi trẻ bình thường

 

Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc  gia: “Thông thường, ở lứa tuổi lên 2, các cháu bình thường có cân nặng khoảng 10-14kg”.

 

Nhưng cháu bé Hồng Anh hơn 2 tuổi ở Mường Chiềng lại không như vậy. Cách đây gần 1 tháng, bé đã nặng tròn 30kg.

 

Chị Xa Thị Thành, trạm trưởng Trạm y tế xã Mường Chiềng cho biết, chị chính là người đỡ đẻ cho cậu bé khổng lồ này. Tuy to, béo nhưng Hồng Anh vẫn khỏe mạnh, sắc diện đẹp.

 

Lúc sinh ra, Hồng Anh nặng 2,9kg. Tháng đầu bé tăng thêm 1,5kg, tháng thứ 2 tăng thêm 2 ký nữa, nhưng từ tháng thứ 3 thì cháu lớn nhanh như thổi. Hồi cháu tròn 5 tháng nặng đúng 15kg.

 

Nếu nói về gen di truyền cũng khó tin bởi cả họ hàng nội ngoại anh Xa Văn Xiềng và mẹ là chị Xa Thị Tin chẳng ai to con hay béo tốt cả. Họ đều là những người “thấp bé, nhẹ cân”.

 

Chị Tin sinh năm 1984, năm nay ngót 30 tuổi chỉ cao độ mét tư, nặng chưa đầy 37kg. Còn anh trai Hồng Anh là Xa Tiến Thể năm nay đã 5 tuổi nhưng cậu bé mới nặng có 12kg. Theo chị Thành, bé thể thuộc dạng còi xương, suy dinh dưỡng.

 

Nhà nghèo, cậu bé Xa Hồng Anh chưa từng biết hộp sữa tươi là gì. Bé Hồng Anh chỉ trông vào nguồn sữa mẹ. Đến tháng thứ 4, mẹ đã phải nấu bột và cháo loãng cho bé ăn. Đến tháng thứ 6 bé Hồng Anh đã “xơi” cơm như những đứa trẻ lớn tuổi.

 

Theo nhà báo Phạm Ngọc Dương, người gặp gỡ cậu bé này đầu tiên thì: Hồng Anh khá xinh xắn, trắng trẻo, dù mới mọc vài răng cửa, nhưng bé có thể ăn 2-3 bát cơm đầy chan mắm mỗi bữa. Bé chỉ nhai nhệu nhạo vài cái là nuốt. Bé ăn chưa bao giờ biết no. Vợ chồng chị Tin không dám cho bé ăn nhiều.

 

Lo lắng cho sức khỏe con, vợ chồng chị Tin đã đưa bé xuống Bệnh viện đa khoa Hòa Bình để bác sĩ thăm khám. Tuy nhiên, thăm khám, xét nghiệm các kiểu, mà các bác sĩ không tìm ra bệnh gì.

 

Mẹ cháu cho biết: Từ ngày sinh ra đến giờ, cháu cứ lớn như cây như cỏ, chẳng ốm đau bao giờ. Chị cũng chưa từng tốn viên thuốc nào.

 

"Với trường hợp cháu bé này để có kết luận chính xác cần phải kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. Nếu do nội tiết có vấn đề phải uống thuốc để điều trị tận gốc. Còn nếu chỉ béo do thừa dinh dưỡng nạp vào cơ thể cần điều chỉnh và kiểm soát chế độ ăn", PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia.

Cân nặng không bình thường có thể do bệnh lý

 

Trao đổi với PV VTC News, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Với trường hợp của cháu bé tại Hòa Bình này có thể coi là béo phì. Nguyên nhân có thể do mất cân bằng dinh dưỡng do ăn quá nhiều cơm. Ngoài chất bột, bản thân trong cơm cũng có đạm. Tuy nhiên, với một cháu bé 2 tuổi mà có cân nặng lên tới 30 kg thì quả là không bình thường”.

 

Bác sĩ Lâm phân tích: Có thể cháu có chế độ dinh dưỡng quá dư thừa nên bị rối loạn chuyển hóa nội tiết trong cơ thể. Vì vậy, cần phải đưa cháu đi xét nghiệm đầy đủ để tìm ra gốc rễ của việc béo phì này. Bệnh rối loạn nội tiết này có thể không phải do di truyền mà sinh ra mới bị.

 

Những cháu quá béo thì dễ bị rối loạn lipid trong máu do thành phần mỡ máu cao. Do đó, rất  dễ bị mắc bệnh tiểu đường do rối loạn chuyển hóa đường”.

 

Thậm chí, có những trẻ em béo phì nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng vì thiếu máu, thiếu kẽm…

 

Với trường hợp cháu bé này để có kết luận chính xác cần phải kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. Nếu do nội tiết có vấn đề phải uống thuốc để điều trị tận gốc.

 

Còn nếu chỉ béo do thừa dinh dưỡng nạp vào cơ thể cần điều chỉnh và kiểm soát chế độ ăn.

 

Bác sĩ Lâm tư vấn: Các cháu ăn bé nên cho ăn theo nhu cầu dinh dưỡng chứ không phải ăn theo khả năng. Nhu cầu ở đây là mức dinh dưỡng được khuyến cáo cho từng lứa tuổi.

 

Thông thường, trẻ em 2 tuổi cần ăn 5 – 6 bữa/ngày. Uống 600 – 700 ml sữa/ngày, khoảng 300 gr cháo, 150 gr rau xanh. Ăn vào chất đạm khoảng 30 gr (từ thịt, đậu, cơm gạo). Tuy nhiên, lứa tuổi này cần ăn 2/3 tỉ lệ chất đạm theo nhu cầu từ đạm động vật, trứng, sữa, còn 1/3 từ đạm thực vật.

 

Trẻ béo không có nghĩa là hoàn toàn phải kiêng mỡ. Mức tối thiểu là 20% năng lượng khẩu phẩn vì mỡ giúp tổng hợp vitamin.

 

Chung quan điểm với bác sĩ Lâm, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng, cần đưa bé Hồng Anh đến viện Nhi để kiểm tra xem bé bị béo do nguyên nhân nội sinh (gen, rối loạn nội tiết tố…) hay do nguyên nhân ngoại sinh (dinh dưỡng...) để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

 

PGS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng nghi ngờ về khả năng mắc bệnh của bé Hồng Anh: “Trường hợp cháu bé này tôi sợ rằng mắc bệnh, có thể là rối loạn nội tiết, hoặc chuyển hóa khiến cháu bị béo.

 

Tuy nhiên, vẫn cần phải thăm khám lâm sàng cho cháu mới biết rõ, nếu nghi ngờ có gì bất thường nên đi khám và làm các xét nghiệm.

 

Nhưng cũng có thể cháu béo do ăn uống thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Gia đình không nên quá lo lắng”.

 

Theo Nguyễn Tâm

VTCnews