Bé trai 10 tháng tuổi bị rắn lục cắn

(Dân trí) - Đang ngồi trên xe tập đi ở sân nhà, bé Đào Thế Sang (10 tháng tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang) bị rắn lục cắn vào ngón tay. Vết cắn sâu hắm làm cậu bé ngay lập tưc chảy rất nhiều máu và liên tục chảy, thiếu máu trầm trọng trong suốt 6 ngày điều trị.

Bé Sang bị rối loạn đông máu, thiếu máu trầm trọng vì rắn lục cắn. Ảnh: H.Hải
Bé Sang bị rối loạn đông máu, thiếu máu trầm trọng vì rắn lục cắn. Ảnh: H.Hải

Hôm 4/9, bé Đào Thế Sang được chuyển đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong tình trạng bị rối loạn đông máu trầm trọng. Dù trước đó bé Sang đã được điều trị tại bệnh viện tỉnh Bắc Giang 4 ngày, được truyền máu nhưng tại vết cắn tại tay, máu vẫn rỉ ra liên tục. Các vết nơi tiêm, truyền cho bé cũng bị xuất huyết bầm tím từng mảng.

Chị Lâm Thị Lan, mẹ bé Sang cho biết, sáng 31/8 chị vẫn đặt con chơi trên xe tập đi ở sân như mọi lần, chị còn cẩn thận buộc dây vào cây đề phòng xe lao đi. Để con chơi ở sân, chị ra giếng ngay sát đó để chuẩn bị nấu cơm. Đang vo gạo, chị nghe tiếng con khóc thét lên, chị đứng nhỏm dậy đã thấy con rắn lục xanh lè chỉ bé chừng đầu ngón tay cái cắn bé, bé thì cố dùng tay trái để lôi con rắn ra nhưng không thể dứt ra được. Chị vội lao ra, dứt bựt con rắn khỏi tay bé, quăng mạnh vào tường và vội đưa con cùng con rắn đi cấp cứu.

Tại BV Bắc Giang, do bị chảy máu từ vết rắn cắn quá nhiều, bé được truyền 150ml máu, kháng sinh chống nhiễm trùng nhưng tình trạng không cải thiện, máu vẫn liên tiếp rỉ ra từ vết cắn và đến sáng 4/9 bé được chuyển thẳng lên khoa Nhi (BV Bạch Mai) điều trị.

“Khi nhập viện, bé thiếu máu rất nặng, chảy máu nhiều ở vết rắn cắn và xuất huyết nhiều trên da, nhất là ở những vị trí tiêm truyền. Ngay lập tức bé được lấy máu xét nghiệm thì thấy tình trạng rối loạn đông máu rất nặng, hồng cầu chỉ còn 2,5 triệu (chỉ số bình thường là 4,5 triệu), tỉ lệ chất đông máu chỉ còn 11% (bình thường phải trên 80%), fibrinogen (một chất đánh giá khả năng tiêu sợi huyết) chỉ còn dưới 1g/l (chỉ số bình thườngl à 2 - 4g/l) dù trước đó bé đã được truyền 150ml máu tại BV Bắc Giang)”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

Chính tình trạng rối loạn đông máu này khiến cháu bé bị chảy máu liên tục không thể cầm máu. Lúc này, điều các bác sĩ lo lắng nhất không chỉ là nguy cơ chảy máu ở vết cắn, mà tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng có thể khiến bệnh nhi bị chảy máu não, tim, phổi… sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Ngay lập tức bệnh nhân được truyền 250ml khối hồng cầu nhưng sau một ngày, chỉ số đánh giá khả năng tiêu sợi huyết tiếp tục giảm xuống còn 0,5g/l, rất nguy hiểm nên các bác sĩ đã quyết định truyền huyết tương để bổ sung các yếu tố đông máu đã bị độc tố của rắn lục làm mất. Chưa kể, bệnh nhi còn bị nhiễm trùng, sốt cao nên phải sử dụng cả hai loại kháng sinh kết hợp.

Theo TS Dũng, hiện nay đã có huyết thanh kháng nọc rắn lục, nhưng do bé được chuyển lên muộn (ngày thứ 5 sau khi bị rắn cắn) nên việc dùng huyết thanh không còn hiệu quả. Vì thế, việc điều trị phải dùng đến vũ khí cuối là huyết tương tươi. Sau hai lần được truyền, các chỉ số đông máu đã dần ổn định, bệnh nhi nào sẽ được theo dõi vài ba ngày nữa là có thể được xuất viện.

“Tuy rắn lục cắn không gây nguy hiểm nhanh bằng rắn cạp nong, cạp nia (nọc độc loại rắn này làm bệnh nhân bị suy hô hấp ngay lập tức), còn với rắn lục, nọc độc lại tấn công vào hệ thống đông máu, vì thế, nếu không may bị rắn lục cắn, nếu tại địa phương không có hệ thống xét nghiệm tốt về rối loạn đông máu thì nên chuyển viện sớm để phòng nguy cơ biến chứng cho người bệnh do xuất huyết, thiếu máu”, TS Dũng nói.

Đây cũng là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ trong việc chăm nom trẻ con. Bệnh nhi này là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất bệnh viện tiếp nhận vì bị rắn cắn. Vì thế, hãy luôn chú ý, trông nom trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với các nơi tồn tại nhiều nguy cơ như bụi cây, vườn tược…

Hồng Hải