1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé sơ sinh 15 ngày tuổi viêm phổi vì biến chứng sởi

(Dân trí) - Lần đầu tiên khoa Nhi, BV Bạch Mai tiếp nhận bé sơ sinh 15 ngày tuổi đã mắc sởi do lây từ mẹ sau sinh. Một trường hợp khác là cặp song sinh 10 tháng tuổi đang được điều trị biến chứng viêm phổi vì sởi tại khoa.

Bé sơ sinh 15 ngày tuổi viêm phổi vì biến chứng sởi
Vụ dịch sởi năm nay ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm phòng (9 tháng tuổi). Ảnh: H.Hải

Bé trai 15 ngày tuổi được gia đình đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) hôm 23/6 trong tình trạng sốt, mọc ban đỏ, bắt đầu từ vùng tai lan xuống mặt, cổ; mắt kèm nhèm; ho nhiều. Sau hai ngày theo dõi tại viện, bệnh nhi khó thở tăng dần phải vào thở máy không xâm nhập (không phải đặt nội khí quản).

Người nhà bệnh nhi cho biết, sau khi sinh con được 5 ngày, mẹ bé có biểu hiện mắc sởi và sau đó lây cho con. Hiện nay bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng thở máy không xâm nhập. Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc sởi gặp tại khoa Nhi từ trước đến nay. Trước đó, một bé sơ sinh 24 ngày tuổi viêm phổi nặng do lây từ mẹ phải thở máy nhưng cũng qua nguy kịch.

Ngoài ra, hiện tại ở khoa đang điều trị cho cặp song sinh 10 tháng tuổi (Hà Nội) bị mắc sởi. Đây là hai trẻ con của cặp vợ chồng hiếm muộn. Cả hai bé đều phải thở máy, trong đó, người chị nặng hơn phải thở máy xâm nhập nhưng đã được cai máy, bé em thở máy không xâm nhập.

Hiện cả 3 trường hợp đều đã dần ổn định. Tuy nhiên các bác sĩ lưu ý, dù đã là đuôi dịch sởi nhưng số ca mắc rải rác vẫn xảy ra. Tại khoa hiện vẫn còn 7 bệnh nhân sởi phải nhập viện điều trị. Tại các địa phương, thỉnh thoảng lại có ca bệnh chuyển lên.

Đây là ca mắc sởi nhỏ tuổi nhất ghi nhận tại khoa. Trước đó, một bé sơ sinh 24 ngày tuổi cũng phải nhập viện, thở máy vì biến chứng sởi. Các bác sĩ cho biết, bình thường, viêm phổi ở trẻ sơ sinh đã nặng, diễn tiến nhanh hơn trẻ lớn rất nhiều, viêm phổi trên nền bệnh nhân sởi do suy giảm miễn dịch sẽ càng nặng nề hơn.

Vì thế, cha mẹ phải hết sức lưu ý, thấy con có những dấu hiệu của sởi không được chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám. Bên cạnh đó, thời điểm này dịch bệnh mùa hè rất nhiều như các bệnh lý viêm đường hô hấp, tiêu chảy… Để phòng bệnh sởi, bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy cần tích cực cho trẻ bú sữa mẹ, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; khi chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng…

Sởi có thể tấn công bất cứ ai chưa có miễn dịch (chưa được tiêm phòng hoặc chưa mắc sởi), vì thế, người phụ nữ tuổi sinh sản chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc xin sởi nên tiêm phòng vắc xin. Trẻ em cần được tiêm vắc xin sởi đúng lịch để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Hồng Hải