Bé gái 3 tuổi chiến thắng ung thư sau khi ghép tế bào gốc
(Dân trí) - Được chẩn đoán mắc bệnh lý u nguyên bào thần kinh ác tính, nguy cơ tử vong cao, bệnh nhi 3 tuổi may mắn chiến thắng ung thư sau cuộc ghép tế bào gốc tạo máu tự thân tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Đó là trường hợp của bé Nguyễn Ngọc Mai (32 tháng tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) vừa được can thiệp, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM. Anh Nguyễn Thanh Sơn (bố bệnh nhi) cho biết, bé Mai là con thứ 3 trong gia đình, thời điểm trước khi đến bệnh viện thăm khám, cháu bị suy dinh dưỡng, tháng 6/2020 bé có biểu hiện đau bụng kéo dài cả tuần.
Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con, gia đình đưa bé đến bệnh viện địa phương thăm khám thì bác sĩ phát hiện vùng hạ vị của bé có khối u. Ngay sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM. Các bác sĩ đã thăm khám, kiểm tra hình ảnh và thực hiện các xét nghiệm trên bệnh nhi. Kết quả cho thấy, cháu bé bị bệnh lý u nguyên bào thần kinh ác tính. Đây là nhóm bệnh lý có nguy cơ tử vong cao, nếu không có các giải pháp điều trị hiệu quả, thời gian sống của bệnh nhi tiên lượng chỉ được khoảng 1 năm.
Tin dữ như sét đánh ngang tai khiến cha mẹ bệnh nhi đau đớn, vợ chồng anh Thanh Sơn đã cầu cứu bác sĩ tìm giải pháp cứu chữa cho con mình. Sau khi được bác sĩ tư vấn, giải thích những rủi ro có thế xảy ra, gia đình quyết định thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho mình.
Bác sĩ Phan Thị Thu Trang, Phó khoa Ung Bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: "Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là một phần trong liệu trình điều trị cho bệnh nhi ung thư. Phương pháp này được thực hiện với những bệnh nhân có khối u đặc. Để vượt qua giai đoạn này bệnh nhân phải vượt qua giai đoạn hóa trị liệu rất mạnh. Mục tiêu mong muốn tiêu diệt tối đa tế bào ung thư, tạo nền móng mới cho tế bào gốc".
Theo phác đồ điều trị, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt khối u đồng thời hóa trị liệu liều cao. Tháng 12/2020 bệnh nhi bước vào giai đoạn ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Khởi động cho giai đoạn chuẩn bị ghép, bệnh nhi được xét nghiệm máu, sinh thiết tủy xương, chụp PET scan xác định đạt đáp ứng điều trị.
Các bác sĩ Đơn vị ghép Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Truyền máu Huyết học lên phương án chi tiết điều trị cho bệnh nhi. Sau khi được đặt các đường truyền trung tâm ngày 15/12/2020 bệnh nhi được thu thập đủ số lượng tế bào gốc cần cho việc phục hồi tủy sau ghép. Trước khi thực hiện cuộc ghép, bệnh nhi đã được hóa trị liệu diệt tủy liều cao.
Ngày 30/12/2020 sau quá trình chuẩn bị, ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhi đã được các bác sĩ thực hiện. Các bác sĩ đã dự phòng và chủ động biện pháp ngăn chặn, xử lý những biến chứng có thể xảy ra trong và sau quá trình ghép như nhiễm trùng, sốt, tổn thương đa cơ quan…
Không ngoài dự đoán của các bác sĩ bệnh nhi đã gặp phải những biến chứng tổn thương gan, tổn thương niêm mạc tiêu hóa, viêm ruột… do quá trình hóa trị liệu diệt tủy đã triệt tiêu hàng rào phòng vệ nhưng nguồn tủy mới ghép chưa mọc đủ để bảo vệ cơ thể. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị tích cực giúp bệnh nhi tăng chức năng miễn dịch, các biến chứng từng bước được kiểm soát.
Sau 10 ngày ghép, tế bào gốc tự thân của bé đã mọc các mảnh ghép, 16 ngày sau ghép, bệnh nhi đã phục hồi bạch cầu hạt và tiểu cầu, cơ thể không còn tình trạng nhiễm trùng. Đến ngày 28/1, bệnh nhi đã khỏe mạnh bình thường, có thể tự ăn uống, sinh hoạt.
Bác sĩ tiến hành kiểm tra các chỉ số cho bệnh nhi và xác định các dòng tế bào máu của bé đang phục hồi tốt, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường. Hiện bệnh nhi không cần truyền máu hoặc thuốc điều trị biến chứng liên quan đến ghép. Dự kiến, sau Tết Nguyên Đán bệnh nhi sẽ được xạ trị và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc để hạn chế khả năng tái phát của khối u.
BS Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, đây là ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện. Thời gian tới, theo chỉ đạo của UBND TPHCM bệnh viện sẽ xây dựng trung tâm ghép tạng nhi cho toàn khu vực phía Nam, trong đó có kế hoạch xây dựng ngân hàng tế bào gốc và thực hiện chuyên sâu về các phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý liên quan.