Bé gái 3 tuổi bị máy dập cốc cán gần đứt lìa bàn tay

(Dân trí) - Để cứu bàn tay gần đứt lìa của trẻ, các bác sĩ đã kết hợp xương, nối lại các bó mạch, thần kinh giữa, hệ thống gân bằng phẫu thuật vi phẫu. Rất may sau ca mổ, tay của trẻ đã hồng ấm trở lại.

Trước đó, tối ngày 22/11, trong lúc chơi đùa, bé Nguyễn Anh Thư (3 tuổi, Hà Nội) cho bàn tay phải vào máy dập cốc và bị máy cán gần đứt lìa bàn tay.

Ngay sau tai nạn trẻ được sơ cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương với một bên bàn tay bên phải đã bị đứt gần rời chỉ còn phần da dập nát ở gan bàn tay. Trẻ được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức.

Bé gái 3 tuổi bị máy dập cốc cán gần đứt lìa bàn tay - 1
Sau ca mổ nối vi phẫu, bàn tay của bệnh nhi đã hồng ấm trở lại.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phùng Công Sáng, khoa Chỉnh hình nhi, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, vết thương ở bàn tay trẻ rất nghiêm trọng, đứt toàn bộ gân, khối xương cổ tay và bó mạch thần kinh quay, trụ và thần kinh giữa, chẻ đôi xương ngón tay cái, đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay.

Để phục hồi bàn tay cho trẻ, các bác sĩ đã kết hợp xương, nối lại bó mạch quay, bó mạch trụ, thần kinh giữa, nối lại hệ thống gân gấp và gân duỗi, tĩnh mạch nông. Đây là một kỹ thuật phức tạp do hệ thống mạch, thần kinh, gân cơ ở bàn tay của trẻ đều nhỏ và bị máy cán dập nát. 

Việc nối lại hệ thống gân bị đứt cũng không đơn giản, kỹ thuật nối không tốt dễ dẫn đến tình trạng dính, kém chức năng. 

Ca vi phẫu nối bàn tay kéo dài 6 giờ. Ngay sau phẫu thuật bàn tay của bệnh nhi đã hồng ấm. 5 ngày sau mổ, trẻ đã có thể nhúc nhích các ngón tay. Tuy nhiên, để bàn tay hoạt động tốt trẻ cần tập phục hồi chức năng.

Trước đó, Bệnh viện cũng cấp cứu một trẻ cho tay vào dây curoa máy xát gạo và bị dập nát mất đoạn ở vùng cổ bàn tay. Rất may bệnh nhi đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và được ra viện 10 ngày sau phẫu thuật.

Các bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình Nhi cho biết hàng năm khoa tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn trong sinh hoạt như Thư.  Hầu hết các bệnh nhi đến bệnh viện đều trong tình trạng tổn thương rất nặng nề, phức tạp. 

“Chỉ một phút lơ là của người lớn có thể khiến trẻ phải gánh hậu quả nặng nề suốt đời”, bác sĩ Sáng nói.

Vì thế, để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra, bác sĩ khuyến cáo người lớn cần để mắt, trông chừng trẻ nhỏ, hướng trẻ tới những trò chơi lành mạnh, an toàn. Đồng thời chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm (đau, chảy máu, cụt tay…) khi sử dụng hay chơi đùa bên cạnh các đồ vật sắc nhọn.

Dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm (trèo cây, đấu kiếm…). Dạy trẻ không bắt chước người lớn làm công việc nguy cơ như gọt hoa quả, thái thịt, khâu vá… mà không có sự giám sát của người lớn hay nghịch gần các máy móc đang hoạt động.

Với những trường hợp bị tai nạn đứt rời chi, khâu sơ cứu là rất quan trọng. Trường hợp có tổn thương đứt rời, nên cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C. Tránh để phần này tiếp tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.

Với phần da còn dính, không nên cắt rời ra, kể cả trường hợp gần như đứt rời hoàn toàn. Thay vào đó dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ tương đối lạnh, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Chú ý, không dùng banh kẹp mạch máu, vì có thể gây nát đầu mạch máu, rất khó khi nối. 

Hà An

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm