Bé 5 tuổi bị "cháy" nhiều ngón tay vì cắm dây vào ổ điện

(Dân trí) - Trong lúc ông ngoại bận việc không để ý, cậu bé kéo sợi dây chì cắm vào ổ điện. May mắn thoát chết nhưng cháu bị điện giật, gây bỏng nặng nhiều ngón tay, bỏng mắt. Để tránh tình trạng nhiễm trùng, hoại tử, cháu sẽ phải tháo khớp, bỏ nhiều ngon tay bị chết cơ, xương.

Bàn tay bệnh nhi bị cháy, nhiều ngón đã chết cơ xương không thể phục hồi
Bàn tay bệnh nhi bị cháy, nhiều ngón đã chết cơ xương không thể phục hồi

Ngày 16/3, BS Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp bị bỏng điện rất thương tâm. Nạn nhân là cậu bé Kiến Ph. (5 tuổi, ngụ tại Kiên Giang).

Khai thác bệnh sử ghi nhận, ngày 8/3 cháu ở nhà với ông ngoại. Người ông lấy dây chì ra cột đồ dùng trong nhà, bận bịu với công việc nên ông không thường xuyên để mắt đến đứa cháu. Thấy sợi dây, cậu bé bắc ghế, leo lên cắm vào ổ điện trên vách tường.

Cháu bị điện giật văng xuống đất nhưng sợi dây vẫn vướng ở tay. Khi người ông phát hiện cậu bé nằm sấp, bất động vội chạy lại đỡ cháu thì ông cũng bị điện giật. Trấn tĩnh trở lại, ông cắt cầu giao điện, vội bế cháu đến bệnh viện.

Được bệnh viện địa phương nỗ lực cấp cứu, cậu bé hồi tỉnh nhưng hai tay và vùng mặt bị cháy sém, bỏng nặng phải tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sau hơn 1 tuần chăm sóc, điều trị tích cực, hiện tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định. Tuy nhiên, tia lửa điện gây bỏng nặng cho các ngón 4 và 5 trên cả 2 bàn tay, mắt phải của bé hiện cũng bị viêm kết mạc do bỏng điện gây ra.

Bác sĩ sẽ phải phẫu thuật tháo khớp các ngón tay đã chết cho bệnh nhi
Bác sĩ sẽ phải phẫu thuật tháo khớp các ngón tay đã chết cho bệnh nhi

Sau các kết quả kiểm tra, bác sĩ đánh giá, nguồn điện gây bỏng nặng khiến ít nhất 4 ngón tay của bệnh nhi bị chết cơ, xương không thể phục hồi. Để tránh tình trạng nhiễm trùng, hoại tử gây nguy hiểm cho tính mạng của bé, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tháo khớp, bỏ 4 ngón trên 2 bàn tay. Các ngón còn lại sẽ tiếp tục được điều trị bảo tồn, nhưng di chứng bỏng điện sẽ ảnh hướng rất xấu đến chức năng vận động của bé về sau.

Thông tin từ BS Đinh Thạc cho hay, bỏng điện ở trẻ nhỏ là tai nạn đặc biệt nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng. Mỗi tháng bệnh viện đều phải tiếp nhận trẻ bị bỏng điện với các nguyên nhân thọc tay vào ổ điện, dùng vật dụng kim loại ghim vào ổ điện, bị hệ thống điện ở bàn thờ ông địa hoặc đường dây điện chạy trong nhà rò rỉ giật...

Để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải chủ động thực hiện các phương pháp đảm bảo an toàn điện như đặt ổ cắm trên cao, ngoài tầm với của trẻ; sử dụng ổ cắm có thiết bị nắp cản chống giật, kiểm tra, thay thế đường dây, thiết bị đã cũ, nguy cơ rò rỉ điện.

Nếu tai nạn xảy ra, người ứng cứu cần nhanh chóng ngắt dòng điện bằng cầu giao hoặc các dụng cụ cách điện. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần hồi sức tim phổi tại chỗ bằng phương pháp nhấn tim, thổi ngạt rồi nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu.

Vân Sơn