Bé 3 tháng tuổi suy hô hấp nặng vì vi rút sởi

(Dân trí) - Ngay khi xuất hiện sốt, nổi ban trên da, bé Đặng Trúc Chi (3 tháng tuổi) đã được đưa vào viện nhưng phải trải qua 11 ngày thở máy căng thẳng, các bác sĩ mới cứu được tính mạng cháu bé.



Các bác sĩ chia sẻ niềm vui với gia đình ngày bé được xuất viện. Ảnh: T.A
Các bác sĩ chia sẻ niềm vui với gia đình ngày bé được xuất viện. Ảnh: T.A

Chiều 20/3, BV Bạch Mai đã tổ chức lễ tiễn bệnh nhân "nhí" đặc biệt - bệnh nhi nhỏ tuổi nhất bị biến chứng viêm phổi do sởi với một cơ chế gây bệnh mới, trái với diễn biến thông thường.

"Thông thường, khi nhiễm vi rút sởi, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch rõ rệt và thường xuất hiện biến chứng viêm phổi (do bội nhiễm vi khuẩn) khi đã hết sốt, ban sởi đã lặn. Nhưng với cháu bé này, vừa bước sang ngày thứ 2 của sởi, cả hai lá phổi đã bị tổn thương nặng nề. Anh trai 3 tuổi của bệnh nhi cũng vừa được xuất viện vì biến chứng viêm phổi và viêm thanh quản", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

Trước đó, đêm 19/2 các bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai) tiếp nhận ca bệnh là một bé gái với những dấu hiệu điển hình của sởi: sốt cao, ho nhiều, chảy nước mắt mũi, nổi ban đỏ, nổi ban đỏ. Dù được điều trị ngay bằng kháng sinh nhưng chỉ sau vài tiếng, gần hết hai lá phổi bị tổn thương. Ngày nào bệnh nhi cũng được chỉ định chụp phim, nhiều lần được cấy dịch nội khí quản, cấy máu... và kết quả cho thấy đạm trong máu giảm, hồng cầu giảm tiểu cầu giảm, đặc biệt miễn dịch dịch thể giảm xuống nhanh chóng khiến phổi bị tấn công nhanh.

Bệnh nhi đã trải qua 4 ngày đầu liên tục sốt 39 độ, oxy trong máu giảm xuống và sau 8 ngày thở máy, vừa rút nội khí quản vài tiếng bệnh nhi đã xuất hiện viêm thanh quản và thở rít, tím tái, nhịp tim tăng lên nên tiếp tục được đặt nội khí quản thêm 3 ngày.

"Đây là bệnh nhi mắc sởi phải thở máy lâu nhất. Chúng tôi đã phải sử dụng một trong những máy hiện đại nhất của khoa và  điều chỉnh máy thở với những bệnh nhi này như một nghệ thuật, phải điều chỉnh hàng giờ dựa vào nồng độ ôxy trong máu", TS Dũng nói.


Bệnh nhi đã phải trải qua 11 ngày thở máy căng thẳng: Ảnh: T.A
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi có thể trạng tốt, mẹ đã từng tiêm vắc xin sởi khi nhỏ Ảnh: T.A

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, năm nay có rất nhiều bệnh nhi dưới 1 tuổi mắc sởi và có trường hợp mới 24 ngày tuổi. Phần lớn các ca nhập viện điều trị đều đã có biến chứng viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn thông thường. Chỉ riêng 3 ca bệnh, 1 bé 13 tháng đã tử vong, 1 bệnh nhi giống hệt trường hợp bé 3 tháng tuổi này là vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi ngay khi mới mọc ban sởi, không gây viêm phổi theo cơ thế thông thường.

Phó giáo sư Dũng cho hay, qua những ca bệnh nhi được cứu sống này đã mở ra chiến lược điều trị phải ngay từ đầu, chống suy hô hấp, tiêm truyền kháng thể dịch thể, vitamin A rất là quan trọng, kháng sinh lại chỉ là phòng chống bội nhiễm.

Tú Anh