Bé 2 tuổi nhập viện vì rửa mũi nhầm nước cồn

(Dân trí) - Khi rửa mũi cho con, do không để ý, mẹ bệnh nhi K. đã lấy nhầm chai cồn và bơm cả xi lanh 20ml cồn vào mũi khiến bé khóc thét, chảy nước mũi liên tục và phải nhập viện.

 


Cha mẹ hãy lưu ý khi rửa mũi cho trẻ để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

Cha mẹ hãy lưu ý khi rửa mũi cho trẻ để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

Ngày 21/9, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trước đó bé L.V.N.K (28 tháng tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa vào khoa Nhi trong tình trạng không sốt, chảy nước mũi nhiều do bị rửa mũi bằng cồn thay vì nước muối.

Mẹ bệnh nhi cho biết, do có tiền sử hen phế quản, viêm mũi dị ứng nên từ nhỏ, bé đã được rửa mũi bằng xi lanh. Theo đó, mẹ thường lấy nước muối sinh lý Natriclorid 0,9% từ chai 500ml vào thẳng xi lanh và bơm rửa mũi cho trẻ.

Hôm đó, cũng như mọi ngày, mẹ bé K lấy nước muối sinh lý nhưng lấy nhầm chai cồn. Sự việc chỉ được mẹ bé phát hiện khi vừa bơm mũi cho con xong, bé khóc thét rồi mũi chảy ra liên tục. Cầm chai muối lên mẹ bé K mới hoảng hồn khi thấy đó là chai cồn 90 độ.

“Ngay sau khi phát hiện rửa nhầm khoảng 20ml cồn vào mũi con, tôi đã lấy muối sinh lý rửa lại mũi nhiều lần nhưng con vẫn khóc liên tục, mũi chảy nhiều. Hoảng quá tôi đã đưa con vào viện”, mẹ bé K cho biết.

Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ Khoa Nhi đã hội chẩn với Trung tâm Chống độc và làm các xét nghiệm sơ bộ.

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai), việc nhỏ nhầm cồn vào mũi trẻ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng, kích thích niêm mạc mũi làm nước mũi chảy nhiều hơn. Nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi. Bởi cồn 90 độ rất nóng, trong khi niêm mạc mũi của trẻ rất mỏng.

Trung bình mỗi năm khoa Nhi tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị nhỏ nhầm cồn nhầm lẫn đáng tiếc như trường hợp trên.

Không lạm dụng các loại chất nhỏ mũi

Theo BS Nam, ngoài nhỏ nhầm cồn thì nhỏ nước tỏi ép tươi theo cách dân gian cũng khá nguy hiểm. Bởi cũng như cồn, nước ép tỏi có đặc tính cay, nóng, trong khi niêm mạc mũi trẻ vốn rất mỏng. Nếu nhỏ nước tỏi quá đậm đặc thẳng vào mũi có thể khiến mũi trẻ nóng rát, bỏng niêm mạc mũi.

Cùng quan điểm này, BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cảnh báo: “Trong nhiều trường hợp, do nồng độ nước tỏi quá đặc nhỏ thẳng vào mũi trẻ dễ khiến trẻ bị bỏng rộp niêm mạc mũi, không phát hiện điều trị có thể gây hoại tử niêm mạc mũi. Việc điều trị bỏng niêm mạc mũi cũng rất khó khăn và lâu dài. Vì thế, tuyệt đối không sử dụng nước ép tỏi, ép hành để nhỏ mũi cho trẻ”.

BS Lộc cũng lưu ý, khi nhỏ thuốc cho trẻ (ngay cả với muối sinh lý hay bất cứ loại thuốc nào có chỉ định của thầy thuốc), cha mẹ cần chú ý đến nhiệt độ của thuốc nhỏ, vì nếu thuốc quá nóng hay lạnh đều có thể gây co thắt niêm mạc, mạch máu, không tốt cho trẻ. Thậm chí, nếu ngâm nóng quá sẽ gây bỏng niêm mạc mũi.

Vì thế, với các loại thuốc nhỏ mũi, trước khi nhỏ cho trẻ nên ngâm 1-2 phút trong nước ấm 35 - 40 độ để làm tan giá, nhất là vào mùa đông.

Tuy nhiên, BS Lộc cũng lưu ý, việc lạm dụng quá nhiều muối sinh lý cũng không tốt cho trẻ. Chỉ trong những trường hợp bị viêm mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… thì mới nên dùng để rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt, giúp thuốc có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh, con không bị ngạt, sổ mũi, ngày cũng nhỏ cho con 5 - 7 lần để rửa mũi là điều không nên. Vì lúc này, mũi đang ở trạng thái bình thường, việc sử dụng thường xuyên nước muối sinh lý để làm sạch mũi sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi vốn có, mất đi chức năng bảo vệ mũi của lớp thảm này và gây tổn thương niêm mạc mũi. Chính vì thế mũi lại hay bị viêm hơn.

Vì thế, nếu trẻ không có dấu hiệu ngạt, sổ mũi thì không nên dùng. Còn khi bé bị ngạt mũi, bác sĩ thường chỉ định rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý chừng 5 lần/ngày. Nhưng cần lưu ý, nhỏ nước muối ấm vào mỗi bên mũi của bé chừng 1/3 - 1 lọ tuỳ theo độ tuổi. Sau đó dùng dụng cụ hút mũi hút sạch nước muối ra, làm như vậy chừng 2 lần thì mũi sẽ sạch. Sau khi làm sạch mũi mới nên nhỏ các loại thuốc trị sổ mũi, ngạt mũi theo chỉ định của bác sĩ.

Hồng Hải