1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Bắt quả tang" 4 người 1 giường, Bộ trưởng Y tế truy lãnh đạo viện K

(Dân trí) - Sáng 8/12, trong buổi thị sát tại bệnh viện K, nhiều bệnh nhân vây quanh Bộ trưởng phàn nàn hiện tượng “chen ngang” vào khám khiến bệnh nhân chờ dài cổ; bệnh nhân được BHYT chi trả nhưng vẫn phải chi nhiều khoản “khó nói”. Đặc biệt, người đứng đầu ngành y tế truy vấn gay gắt BV K khi để tình trạng 4 bệnh nhân trên một giường bệnh.


Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra thông tin

Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra thông tin

Chỉ đạo kiểm tra tình trạng chen ngang vô tội vạ

Sáng 8/12, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bất ngờ thị sát 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội gồm BV E, K Trung ương, Nội tiết và Hữu Nghị.

Tại BV K, phát hiện Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong đoàn kiểm tra, nhiều bệnh nhân vây quanh phàn nàn với Bộ trưởng những bức xúc họ gặp phải trong quá trình khám chữa bệnh tại đây.

Theo lời một bệnh nhân nam 40 tuổi ở Thái Bình, anh đến bệnh viện từ 4h sáng, lấy số khám, xét nghiệm máu thứ tự 74, nhưng chờ đến 9h30 vẫn chưa tới lượt. “Không chỉ riêng tôi bức xúc đâu. Các cô, các bác ở đây ai nấy đều bức xúc nhưng không dám nói. Chúng tôi theo dõi trên bảng điện tử, số thì dừng ở 43 cả tiếng không nhẩy số, trong khi đó rất nhiều bệnh nhân khác được nhân viên y tế dẫn vào chen ngang”, người này bức xúc phản ánh với Bộ trưởng.

“Sinh ra số thứ tự xếp hàng, chúng tôi tuân thủ nhưng phải làm nghiêm, chứ cứ chen ngang này chúng tôi chờ đến khi nào mới đến lượt”, nhiều bệnh nhân phàn nàn.

Trước phản ánh này, Bộ trưởng Tiến đã yêu cầu ngay Trưởng khoa Khám bệnh phải kiểm tra tình trạng này. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đích thân kiểm tra lại toàn bộ số phiếu thứ tự và yêu cầu BV K Trung ương cần mở thêm các phòng lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tránh tình trạng hàng trăm bệnh nhân dồn về 2 bàn lấy bệnh phẩm xét nghiệm.


Bộ trưởng hỏi từng bệnh nhân về chất lượng dịch vụ bệnh viện

Bộ trưởng hỏi từng bệnh nhân về chất lượng dịch vụ bệnh viện

Gặng hỏi những khoản chi phát sinh "khó nói"

Thấy một nhóm người nhà bệnh nhân ngồi la liệt dưới chân cầu thang, Bộ trưởng Tiến chủ động đến hỏi chuyện. Đây đều là những người đi chăm nom bệnh nhân tại bệnh viện, nhưng tiếc tiền thuê phòng nên ngủ hành lang bệnh viện.

“Người nhà chúng tôi đa phần bảo hiểm đều được 100%, nhưng vẫn phải tiết kiệm, không dám bỏ thêm tiền thuê phòng vì còn nhiều khoản chi phí phát sinh ngoài viện phí”, một bệnh nhân ở Nam Định nói.

Tuy nhiên, dù Bộ trưởng hỏi thế nào, thuyết phục thế nào những người này đều kiên quyết không tiết lộ những khoản chi “khó nói” vì lo lắng người thân đang điều trị tại viện.

Khi tiếp cận với bệnh nhân ở đây, phóng viên Dân trí nghe nhiều người phàn nàn vẫn phải để phong bì 2 triệu cho bác sĩ, 200 nghìn cho điều dưỡng khi mổ vì sợ nhân viên y tế có “thái độ” với người nhà.

“Tôi chăm sóc người thân ở đây có thâm niên 2 năm nay rồi, nhiều bác sĩ tốt lắm, nhưng cũng không ít người có thái độ khi người nhà bệnh nhân không có chế độ cảm ơn bác sĩ”, bác Hoa (Vĩnh Phúc) đang chăm người nhà tại BV K cho biết.

Cũng trong ngày hôm nay, khi đoàn kiểm tra đến, nhà vệ sinh bệnh viện K bất ngờ “tháo khoán”, không thu phí 2.000 đồng/1 lần đi vệ sinh khiến bệnh nhân bất ngờ, sung sướng và “báo cáo” với bộ trưởng.


Bộ trưởng chứng kiến 4 bệnh nhân nằm chung 1 giường

Bộ trưởng chứng kiến 4 bệnh nhân "nằm chung" 1 giường

“Truy” gay gắt chuyện nằm ghép

Kiểm tra tại khoa Đầu cổ (BV K cơ sở Tân Triều), Bộ trưởng vô cùng bức xúc khi phát hiện trên một giường bệnh có đến 4 bệnh nhân. Theo giải thích của Phó trưởng khoa Đầu cổ, trong 4 bệnh nhân này, có 2 người là bệnh nhân nội trú, 2 bệnh nhân ngoại trú chỉ vào viện truyền, tiêm ban ngày, đêm không ngủ tại viện.

“Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không? Đâu phải cơ sở vật chất ta thiếu, mà là chưa biết cách tổ chức khoa học, sao làm khổ bệnh nhân thế này?

Tư duy thông thường nhất, để bệnh nhân nội - ngoại trú lẫn lộn như thế này đã không chấp nhận được. Chỉ một giường bệnh như thế này, một phòng bệnh như thế này làm đổ sông đổ biển hết những nỗ lực của ngành trong giảm tải. Phó giám đốc chuyên môn, Phó giám đốc kinh tế, trưởng khoa phải chịu trách nhiệm để tình trạng này”, Bộ trưởng gay gắt truy vấn.

Nữ Bộ trưởng yêu cầu ngay lập tức khoa phải tổ chức lại cho khoa học, phải có khu điều trị ngoại trú riêng, không để tình trạng 4 người trên một giường, đến người khoẻ còn không chịu đựng nổi nữa là bệnh nhân.

Ông Nguyễn Đại Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K, hứa v ngay trong ngày hôm nay sẽ sắp xếp lại khu khám nội – ngoại trú để không còn tình trạng lẫn lộn, nằm ghép 4 người/giường

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu BV K phải tổ chức cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng cho người bệnh tại viện, không để tình trạng mua thức ăn từ ngoài vào cho bệnh nhân. “Ở viện mà bán xuất ăn đủ dinh dưỡng, chi phí hợp lý nhất định chúng tôi sẽ mua”, nhiều bệnh nhân hưởng ứng khi Bộ trưởng chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện về vấn đề này.

Theo bệnh nhân Đ.V.T, 59 tuổi ở Hải Dương, nhập viện hơn 10 ngày do ung thư phổi, ông là bệnh nhân nội trú được “biên chế” ở giường bệnh này nhưng vì giường có tới 4 người nên ban ngày ông vào BV điều trị và truyền thuốc, còn tối thì ra ngoài thuê chỗ ngủ với giá 160.000 đồng/đêm.

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, qua chấm điểm 5 bệnh viện gồm BV K, BV Nội tiết, BV Nhi Trung ương, BV E thì BV K là đơn vị đạt điểm nhấp nhất trong 5 bệnh viện trên, với khoảng 66 điểm trên thang điểm 100.

Tại BV E, BV Nội Tiết, BV Hữu Nghị, nhiều bệnh nhân hết lời khen ngợi thái độ, sự quan tâm của y bác sĩ với bệnh nhân.

Bộ trưởng Tiến cũng đích thân kiểm tra nhà vệ sinh bệnh viện tại BV E, BV Nội tiết đều sạch sẽ, không “mùi”. Điều dưỡng BV Nội tiết cho biết, một ngày chị kiểm tra nhà vệ sinh không dưới 4 lần, vì để “có mùi” là bị Giám đốc phạt lương.

Khi được Bộ trưởng động viên có thể theo dõi tiểu đường tại bệnh viện tuyến dưới, nhiều người bày tỏ mong muốn Bộ trưởng chỉ đạo sát sao để thái độ, trình độ của y bác sĩ tuyến dưới được như tuyến Trung ương nhất định họ sẽ đến khám chữa. Còn hiện tại, họ chỉ yên tâm khi đến đây khám bởi bác sĩ ân cần, khi về dặn dò chu đáo.

Bài và ảnh: Hồng Hải