Bất ổn tâm lý lứa tuổi thanh-thiếu niên: Hậu quả khó lường
TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho biết: “Ngày càng nhiều trẻ em hoặc gia đình gọi điện đến đường dây tư vấn về áp lực học hành, thi cử ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống”.
Quá tải vì học hành, thi cử
Theo TS Nguyễn Kim Quý, phần nhiều học sinh khi tìm đến với các chuyên gia tư vấn tâm lý đều phản ánh về việc bố mẹ gây sức ép quá lớn tới con cái trong việc thi cử. “Mọi việc đều phải theo ý kiến của phụ huynh, từ chọn thầy cô, chọn ngành, chọn trường rồi đưa đón, theo sát từng bước khiến các em thấy căng thẳng, thậm chí chán nản, không còn hứng thú học tập và chỉ học để đối phó”.
“Bài học” về áp lực học hành, thi cử khiến học sinh tìm tới giải pháp tiêu cực nhất là cái chết đã và đang hiện hữu. Đặc biệt, ở thời điểm liên tiếp diễn ra các kỳ thi, một số vụ học sinh tự tử vì sức ép học hành khiến không ít phụ huynh hoang mang.
Người dân thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phát hiện thi thể một học sinh chết trôi trên sông Xáng Nàng mới chỉ sinh năm 2002, là học sinh lớp 5. Khi kiểm tra tại nhà, Cơ quan điều tra đã thu được lá thư để trên bàn học với nội dung muốn đi xa. Người nhà em cho biết, ba ngày trước khi gặp nạn, em có bị mẹ mắng và đánh vì không làm bài tập.
Một trường hợp tự kỷ được đưa đến cơ sở y tế khám. Ảnh: Hải Nguyễn
Cha mẹ bắt đi học thêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh tự tử. Trong khoảng thời gian tháng 7-8/2010 đã liên tiếp xảy ra những vụ việc dạng này. Một học sinh lớp 8 ở quận Tân Bình, TPHCM phải nhập viện cấp cứu ngộ độc thuốc an thần khi em tìm đến cái chết chỉ vì bố mẹ la mắng không chịu đi học thêm. Lý do- khi được bác sĩ hỏi- cậu học sinh này cho biết vì em đã rất chán ngán với việc học ở lớp và cho rằng hè là dịp để xả hơi; nhưng bố mẹ la mắng vì cho rằng em lười biếng. Cho rằng bị xúc phạm, em đã uống cả chục viên thuốc an thần để tìm đến cái chết.
Cũng vì mẹ ép phải đi học hè mà một học sinh lớp 8 ở TP. Tân An, Long An đã uống 30 viên thuốc Paracetamol để tự tử. Rất may, em đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời.
Cũng vì áp lực thi cử, đã xảy ra không ít vụ thí sinh tự tử do thi trượt trong những năm qua. Như trường hợp một học sinh lớp 12 chuyên toán tỉnh Quảng Ngãi đã uống thuốc sâu tự tử sau khi thi đại học, do lúc đối chiếu với đáp án thấy bài làm của mình không tốt. Trước đó, một học sinh sinh năm 1991, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã tự tử bằng lá ngón ở tuổi 18, do thất vọng trước kết quả dự thi ĐH. Ở Nam Định cũng từng có trường hợp học sinh treo cổ tự tử trong phòng riêng sau khi biết tin mình thi trượt ĐH.
Ngoài áp lực từ học hành, thi cử, các em ở lứa tuổi học sinh còn tìm đến cái chết bởi những lý do rất bất ngờ. Chẳng hạn năm 2012, một học sinh THCS ở xã Tiền Phong, Mê Linh đã tự tử vì làm mất 500.000 đồng tiền quỹ lớp.
Đặc biệt, thời gian gần đây, những vụ thanh niên trả thù tàn bạo vì thất tình đã gây nên tâm lý phẫn nộ lẫn lo lắng cho cả học sinh và phụ huynh có con ở lứa tuổi chập chững bước vào đời.
Phần lớn học sinh lo lắng về cuộc sống hiện tại
Kết quả một cuộc khảo sát nhỏ do tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, và cộng sự từng thực hiện về “Thái độ của học sinh về cuộc sống hiện tại” ở 2 trường THPT Trần Hưng Đạo và Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho thấy, số học sinh cảm thấy “rất hài lòng và rất yên tâm” về cuộc sống của mình chiếm tỉ lệ rất thấp (3,2%). Trong khi đó, có tới hơn 96% học sinh có băn khoăn, lo lắng ở những mức độ khác nhau. Theo bà Mùi, các khó khăn tâm lý đều ảnh hưởng đến HS, thậm chí với một số HS là ảnh hưởng nặng nề, có thể dẫn đến những chấn động tâm lý (38,9%).
Cách thức mà học sinh thường sử dụng khi gặp phải những khó khăn tâm lý là “âm thầm chịu đựng” (44%). Có 14,2% số trẻ lựa chọn cách giải quyết là “phó mặc” và 4,9% số trẻ không biết cách giải quyết dẫn đến hoang mang, lo sợ và thụ động. Phương thức tích cực nhất mà các em đã sử dụng là “tâm sự với người khác” (20,3%).
Tuy nhiên, đối với những học sinh lựa chọn cách tâm sự với người khác thì đối tượng tâm sự của các em chủ yếu là bạn bè và việc tâm sự với bạn chỉ để giải toả những căng thẳng nhất thời. Nhưng, đôi khi do hiểu biết có hạn, các em có thể định hướng cho nhau theo chiều hướng sai lệch. Cách giải quyết này đôi khi dồn trẻ vào thế bế tắc hơn bởi đôi khi do hiểu biết có hạn, các em định hướng cho nhau theo chiều hướng sai lệch, dẫn đến việc bao che khuyết điểm cho bạn.
Văn phòng Chủ tịch Nước hiện đang thực hiện một cuộc khảo sát trực tiếp ở 15 tỉnh, thành trên cả nước- trong đó có Hà Nội- về việc dạy đạo đức cho học sinh. Ông Nguyễn Hiệp Thống- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội- thừa nhận với đoàn khảo sát, nhiều HS có hành vi sốc nổi, lệch chuẩn đạo đức xuất phát từ những khủng hoảng tâm lý nhưng không được tháo gỡ kịp thời.
Hãy “cứu” trước khi quá muộn
Ngành giáo dục đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tìm nguyên nhân và giải pháp đối với việc học sinh đánh nhau, học sinh tự tử, học sinh đánh thầy cô… Kết luận, trách nhiệm thuộc về 3 bên: Gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, tình trạng này không giảm chứ chưa nói đến việc chấm dứt được.
TS Phạm Anh Tuấn nhận định: “Gia đình là định mệnh tự nhiên, trẻ con không thể chọn cha mẹ, “rơi” vào gia đình nào là may nhờ rủi chịu. Còn nhà trường là nơi làm việc chủ động, khoa học, có phương pháp. 50 học sinh là 50 số phận khác nhau, nhưng nhà trường là số phận chung. Nhà trường là nơi có thể chủ động tạo ra năng lực yêu thương, năng lực cảm thông, tạo ra tri thức, sửa chữa, hạn chế cái sai của từng học sinh. Nếu nhà trường làm đúng thì sẽ giúp các em vượt qua số phận cá nhân”.
Cần có sự tư vấn từ phía nhà trường để học sinh phát triển tâm lý ổn định. Ảnh: Hải Nguyễn
Một số nhà trường, giáo viên với cùng quan điểm này, thay vì chờ đợi những giải pháp từ “trên” hay tới khi có sự việc không hay xảy ra mới giải quyết, đã chủ động tìm học trò, tạo cơ hội cho học trò tìm đến để tâm sự, gỡ rối với các em.
Một trong những cơ sở giáo dục đi đầu về việc tư vấn tâm lý cho học sinh là Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Phòng tham vấn tâm lý của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội hoạt động từ năm 2005, mỗi năm học có từ 80-100 trường hợp tìm tới tư vấn, số lượt HS được tư vấn đến nay đã lên tới con số gần một nghìn. Tuy nhiên, ngoài trường Đinh Tiên Hoàng, ở Hà Nội hiện nay số trường học có phòng tham vấn tâm lý chỉ đếm trên đầu ngón tay như Trường THCS Ngô Sỹ Liên, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Trần Hưng Đạo…
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - rút ra kết luận, giới trẻ hiện nay đang gặp phải 3 vấn đề chính: Thứ nhất là lúng túng trong định hướng cuộc đời. Nhiều bạn trẻ không biết mình sống và học tập để làm gì; thứ hai là thiếu bản lĩnh đối đầu với thử thách của cuộc sống. Trước những vấp váp dù lớn hay nhỏ (bị điểm kém, bị cha mẹ trách mắng…) các bạn cũng dễ dàng phóng đại thành bi kịch lớn; thứ ba là thiếu kỹ năng ứng xử trong tình yêu. Đó là lý do vì sao thời gian qua xuất hiện nhiều bi kịch yêu mù quáng của giới trẻ…
Từ thực tiễn làm việc của mình, thầy Hiếu cũng cho rằng nhu cầu được tư vấn tâm lý của học sinh bây giờ là có thực nhưng trên thực tế, người lớn lại chưa chú tâm nhiều đến việc “lắng nghe các em nói”. Trên Facebook của mình, thầy Hiếu viết: “Trung bình 8/10 vị phụ huynh mà tôi từng tiếp xúc cho rằng: “Bọn trẻ bây giờ rất hư!”. Tất cả đều cho biết trẻ hư do Internet, trò chơi điện tử, ảnh hưởng bởi bạn bè... Không có ý kiến nào trả lời “do người lớn”. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi lại nhận ra rằng: Giới trẻ đang có một cái nhìn tổn thương về người lớn”.
“Điều tôi muốn nói với các phụ huynh là hãy hỏi ý kiến con cái, để các em có tiếng nói trong việc lựa chọn học tập, nên khuyến khích, động viên thay vì áp đặt. Có như vậy mới tránh được những trường hợp đáng tiếc khi các con phản ứng thái quá hay làm chỉ để đối phó, nhất là thời điểm quan trọng hiện nay” - TS Nguyễn Kim Quý cũng nhấn mạnh.
Theo Chi Mai
Lao động