Bật móng, chảy máu tay, làm việc 24/7 chạy đua với 10.000 mẫu xét nghiệm

Tú Anh

(Dân trí) - Hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm Covid-19 của Hà Nội được thực hiện vỏn vẹn trong 2 tuần, với 11 con người lao động ngày đêm chạy đua với thời gian.

Mỏi mắt, chùn chân, tứa máu vì xét nghiệm

Kết thúc hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm Covid-19 cho Hà Nội, TS Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Sinh học phân tử và các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) mới thở phào nhẹ nhõm sau 2 tuần căng như dây đàn.

Bật móng, chảy máu tay, làm việc 24/7 chạy đua với 10.000 mẫu xét nghiệm - 1
Với trang phục bảo hộ kín mít, 11 con người ngày đêm trong phòng xét nghiệm, làm việc công suất vượt 150% để hoàn thành 10 nghìn mẫu xét nghiệm của Hà Nội trong vòng 14 ngày.

Là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19, trong đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng ảnh hưởng tới Hà Nội, BV Nhi Trung ương có nhiệm vụ đảm nhiệm 10 nghìn mẫu xét nghiệm, trả nhanh, trả sớm nhất có thể, trong 2 tuần để sàng lọc nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

Bật móng, chảy máu tay, làm việc 24/7 chạy đua với 10.000 mẫu xét nghiệm - 2

Hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm của Hà Nội được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương bằng kỹ thuật PCR đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

"Khi nghe con số, 11 cán bộ, nhân viên trong khoa đều giật mình. Bởi lẽ, bình thường khoa thực hiện khoảng 500 xét nghiệm một ngày. Giờ vẫn phải đảm bảo con số xét nghiệm đó cho bệnh nhân tới khám, nội trú trong việc, và sẽ thực hiện thêm 10 nghìn xét nghiệm/ngày, vẫn với từng đó cán bộ", TS Thủy chia sẻ.

Nhưng nhiệm vụ là phải hoàn thành, trải qua một cuộc trao đổi nhanh, chị Thủy quyết định cho nhân viên có con nhỏ nghỉ 2 tiếng buổi chiều trước khi bước vào cuộc "chạy đua" về chơi với con, sắp xếp gửi con cái để bước vào 14 ngày làm việc không còn phân biệt được thời gian đâu là đêm, đâu là ngày, 24/24 giờ trong phòng xét nghiệm.

Bật móng, chảy máu tay, làm việc 24/7 chạy đua với 10.000 mẫu xét nghiệm - 3
Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

"Những ngày đầu chúng tôi nhận 1000 – 2000 xét nghiệm mỗi ngày. Làm việc khẩn trương, nỗ lực hết bản thân, với công suất làm việc vượt 150%, không còn phân biệt được đâu là ngày, là đêm, trong bộ trang phục kín mít. Nhiều khi đói bụng, chân run ra ngoài ăn mới biết bữa trưa đã là 3-4 giờ chiều, bữa tối đã là 8-9 giờ tối", TS Thủy chia sẻ.

Công việc làm nhiều, nhân viên đa phần là nữ. Mọi người thời gian đầu "sốc" vì chưa bao giờ làm nhiều số lượng thế, vẫn phải đảm bảo trả đúng tiến độ xét nghiệm thường quy, vừa xét nghiệm các mẫu SARS-CoV-2 cho Hà Nội.

Các bạn nữ, nhiều khi tung cả móng tay, chảy máu, phồng rộp vì bật nắp rất nhỏ, thao tác nhiều lần với những mẫu xét nghiệm thường, ưu tiên hoàn toàn cho xét nghiệm truy lùng Covid-19.

Những cuộc điện thoại "con nhớ mẹ" lúc nửa đêm

Ths Khúc Thị Rềnh Hoa – kỹ thuật viên của khoa, trực tiếp tham gia xét nghiệm Covid-19 chia sẻ, ngoài áp lực công việc, ấn tượng nhất với chị trong 2 tuần căng thẳng đó, là những lời hỏi thăm vì gia đình "ly tán" - con gửi ông bà, chồng ở nhà, vợ trực chiến tại viện và những cuộc điện thoại lúc nửa đêm vì "con nhớ mẹ".

Bật móng, chảy máu tay, làm việc 24/7 chạy đua với 10.000 mẫu xét nghiệm - 4
Công việc khiến gia đình "ly tán", nhưng với nhân viên y tế, họ xác định đó là nhiệm vụ và phải hoàn thành, bằng bất cứ giá nào.

"Quả thực, chúng tôi làm việc, không còn cả thời gian gọi điện cho con. Có đêm 12 giờ thấy chuông điện thoại, mẹ cũng vừa kết thúc giờ làm, là đứa con 6 tuổi đang ở quê với ông bà gọi chỉ để hỏi, sao chờ mãi không thấy mẹ gọi? Sao mẹ không nhớ con? Sao mẹ không về với con? Nghe mà ứa nước mắt", chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa chia sẻ thêm, khi trò chuyện với con, với lời hứa khi nào hết dịch, mẹ về đón là con hiểu chuyện, lại cười đùa, hỏi han mẹ, không khóc lóc, mẹ cũng nhẹ lòng hơn.

Còn với điều dưỡng Hồ Thị Bích – điều dưỡng Trung tâm Các bệnh nhiệt đới - người trực tiếp chăm sóc bệnh nhi 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc, công việc của chị là luôn ở gần nhất người bệnh, người có nguy cơ. Khi có những ca nghi ngờ chuyển vào Trung tâm các bệnh Nhiệt đới, chị là người trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm để chuyển đi.

"Mình luôn coi mình là F1, để luôn có ý thức phòng vệ tốt nhất cho cộng đồng", chị Bích chia sẻ.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá, việc xét nghiệm tại chỗ có ý nghĩa rất lớn trong phòng nguy cơ lan truyền virus SARS-CoV-2. Trong 14 ngày, 11 kỹ thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) làm việc ngày đêm trong phòng xét nghiệm, với công suất gấp 150% ngày thường trả cho Hà Nội. Đó là những sự hi sinh thầm lặng bệnh viện luôn ghi nhớ, tôn vinh.

PGS Điển chia sẻ thêm, trước khi nhận 10 nghìn mẫu xét nghiệm của Hà Nội theo phân công hỗ trợ của Bộ Y tế, bệnh viện đã nỗ lực đầu tư trang thiết bị, đặt thêm máy móc giảm các công đoạn thủ công, cử phòng công nghệ thông tin hỗ trợ in ấn... nhưng quan trọng nhất vẫn là 11 con người đã quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn khi áp lực công việc tăng vọt 150% so với ngày thường.

"Đúng là các nhân viên 24/24 giờ trong phòng xét nghiệm, chỉ còn vài tiếng ngắn ngủi buổi đêm để nghỉ ngơi. Họ đã nỗ lực, hoàn thành xuất sắc 10 nghìn mẫu xét nghiệm đúng tiến độ", PGS Điển nói.

Ông Điển cũng vui mừng chia sẻ, mới đây, khi đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra, chấm điểm tiêu chí bệnh viện an toàn trong mùa dịch Covid-19, Bệnh viện đạt 92.7% số điểm yêu cầu - là bệnh viện an toàn trong mùa dịch.