1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mặt trái công nghiệp dược phẩm:

Bất lực bởi thuốc trị bất lực!

Trang sử mới về phương pháp trị chứng bất lực bắt đầu vào năm 1983 khi bác sĩ người Anh Giles Brindley cho biết vừa tìm được phương thuốc trị bất lực. Một thành tích đáng chú ý của trang sử y học nhưng đã châm ngòi cho một phong trào kinh doanh dược phẩm trị bất lực đầy tính lừa bịp...

Thiên hình vạn trạng... thuốc trị bất lực

 

Cho đến nay, trên thị trường thuốc tây có không biết bao nhiêu hiệu thuốc trị chứng bất lực và tất cả đều được quảng cáo là “hiệu quả nhất”, “thành công nhất”, “từng được thử nghiệm trên diện rộng”... Doanh số hàng năm của thị trường thuốc bất lực lên đến 4,5 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, còn có một câu chuyện chưa được biết đến: cách thức các công ty dược phẩm thuê những bác sĩ nổi tiếng quảng cáo cho họ, cách thức che giấu những phản ứng phụ nguy hiểm khi dùng thuốc, cách thức đầu tư và khuếch trương thị trường, cách thức gây hoang mang trong cộng đồng bằng các con số thống kê không trung thực về chứng bất lực...

 

Chứng bất lực từ lâu đã trở thành “vấn đề bức xúc của thời đại”. Bởi vậy, thuốc trị bất lực có đủ thiên hình vạn trạng, xuất xứ từ thiên nhiên như sừng tê giác, mật heo đực, dương vật hổ hoặc từ phòng bào chế tân dược như Viagra, Vasomax...

 

Loại thuốc “làm nên lịch sử” mà Brindley sử dụng thật ra là một số thuốc trị huyết áp quen thuộc. Khi tiêm vào dương vật, thuốc này làm các cơ bao quanh động mạch trong dương vật giãn ra, khiến máu trở nên dễ lưu thông - điều kiện bắt buộc phải xảy ra để dương vật căng. Khi hệ thống ngăn bên trong dương vật chứa đầy máu, các mạch tự khắc ép lớp mô xung quanh, khiến dương vật giãn nở. Tuy nhiên, khi tiêm quá liều, dương vật sẽ gặp hiện tượng căng cứng kéo dài hàng giờ liền và hậu quả thật “khốc liệt”: các mô sẽ bị hư hại.

 

Từ nghiên cứu của Brindley, các nhà tiết niệu học đã phát triển thêm và áp dụng phương pháp tiêm với hỗn hợp papaverine, phentolamine và prostaglandin E1. Từ giữa thập niên 1980 đến nay, phương pháp tiêm hỗn hợp trên vẫn còn được vài nơi áp dụng.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng là bác sĩ và thành thục chuyện tiêm chích cho chính mình. Bởi vậy, cách tiêm này xem ra bất tiện. Giải pháp tốt nhất là thuốc viên. Nhưng rồi giới y học lại đứng trước một khó khăn: nếu sử dụng thuốc huyết áp (như của bác sĩ Brindley) để chế thuốc trị bất lực thì lại chẳng có tác dụng gì, bởi thuốc đã tan ngay từ trong dạ dày và bị gan phân hủy trước khi tạo tác dụng cho mạch máu dương vật.

 

Cuối cùng, năm 1993, bác sĩ Adrian Zorgniotti thuộc Đại học New York giành được bản quyền phát minh khi tung ra loại thuốc ngậm có chứa phentolamine. Chuyện tưởng đơn giản nhưng lần hồi, một chiến dịch qui mô được tung ra. Người ta chê hết thuốc này sang thuốc khác và tạo sự hoang mang dữ dội trong cộng đồng khi đưa ra ý kiến rằng chứng bất lực đang phổ biến và trở thành “bệnh dịch”.

 

Một trong những người tạo “kinh hoàng” cho giới đàn ông là bác sĩ Irwin Goldstein. Không biết căn cứ vào đâu mà Goldstein khẳng định rằng có nhiều nguyên nhân gây bất lực, từ việc uống rượu, hút thuốc lá (đương nhiên) đến cả chuyện đi xe đạp! Chiến dịch rầm rộ của Goldstein khiến Viện Y tế quốc gia (Mỹ) cũng hoảng sợ và đưa ra con số cảnh báo rằng có đến 30 triệu đàn ông Mỹ đang mắc phải chứng bất lực. Goldstein còn viết trong tờ Journal of Urology rằng: “Bất lực nên được xem là mối quan tâm sức khỏe hàng đầu”. Cơn sốt sản xuất thuốc bất lực lại bùng lên. Từ đó, người ta bắt đầu giở quẻ lừa…

 

Vai trò của quảng cáo

 

Cuối năm 1997, Tổ chức bệnh tiết niệu Mỹ thực hiện một chiến dịch “nhận thức về chứng bất lực” ở qui mô quốc gia. Ít người biết rằng đằng sau chiến dịch này là sự hỗ trợ tài chính của Công ty Vivus, nơi sản xuất thuốc trị bất lực hiệu Muse. Chiến dịch này bị Hiệp hội tiết niệu Mỹ phản đối và chứng minh rằng đó là “liệu pháp” mới trong kinh doanh.

 

Thử tưởng tượng một người bị bất lực dùng trung bình 2 viên mỗi tuần, tức một năm dùng khoảng 100 viên, mỗi viên 10 USD - cái giá quá rẻ để đổi lấy cảm giác hạnh phúc vợ chồng. Giả dụ cứ 5 người thì có một bị chứng bất lực (theo “cảnh báo” Vivus) thì doanh số thị trường thuốc bất lực tính trên toàn nước Mỹ phải đạt hơn 4 tỷ USD/năm.

 

Ngoài phương cách đánh động dư luận, vài công ty còn quảng cáo theo kiểu “đại ngôn”. Thuốc hiệu Viagra của Hãng Pfizer được quảng cáo là “thành công lớn nhất trong lịch sử y học, lớn hơn bất kỳ sự kiện nào từng được biết đến”. Vivus đang thực hiện chiến dịch quảng cáo rộng với ngân sách hơn 5 triệu USD.

 

Chính nhờ quảng cáo quá mạnh, doanh số của Pfizer tăng vùn vụt. Cổ phiếu của hãng này tăng 75% trong năm 1997. Công ty Zonagen, nơi cho ra đời loại thuốc bất lực hiệu Vasomax, cũng đạt giá trị thị trường đến 500 triệu USD. MacroChem, một công ty nhỏ ở Lexington nơi sản xuất loại thuốc xoa, cũng phát triển mạnh.

 

Sự phát triển này dựa vào phần lớn tài “cò mồi” của vài bác sĩ hám tiền. Irwin Goldstein là một trong những cò mồi như vậy. Goldstein làm cố vấn cho rất nhiều hãng dược phẩm như Pfizer, Zonagen, MacroChem, Harvard Scientific, Senetek...

 

Vai trò cố vấn của những bác sĩ như Goldstein đã biến dạng thành kiểu chuyên gia khủng bố cộng đồng khi đưa ra các con số thống kê không trung thực nhằm giúp hãng thuốc bán được hàng. Không những đóng vai trò cố vấn, vài bác sĩ còn có cổ phần trong công ty, như David Ferguson - người có phần hùn trong hãng Zonagen và vài công ty dược phẩm khác.

 

Điểm đáng quan tâm trong vấn đề này là rất khó điều tra hay buộc các bác sĩ trên vào tội danh gì. Tờ The New England Journal of Medicine tiết lộ rằng 96% chuyên gia y khoa đã sử dụng những bản báo cáo hoặc bài viết của mình (nói về công trình nghiên cứu nào đó) nhằm mục đích hỗ trợ cho doanh số bán của các công ty mà họ có những mối quan hệ tài chính chặt chẽ!

 

Các công trình nghiên cứu khách quan cho thấy hầu hết những loại thuốc trị bất lực hiện nay đều tạo ra hiệu ứng phụ, nhất là có thể gây hại tim nghiêm trọng. Giới nghiên cứu đánh giá khách quan hai loại thuốc sử dụng rộng rãi nhất hiện nay - Viagra và Vasomax - như sau: Viagra có công dụng tốt hơn Vasomax.

 

Tuy nhiên, dùng ở liều cao, Viagra gây choáng váng và rối loạn thị giác (vài bệnh nhân kể rằng họ nhầm xanh dương sang xanh lá cây sau khi dùng thuốc). Nhìn chung, cũng như bao thứ thuốc trị các bệnh khác, các loại thuốc trị bất lực đã có thời gian sử dụng dài ở diện rộng (như Viagra và Vasomax) đều là hỗn hợp của những điều lợi và hại. Những lời quảng cáo chỉ nói lên điểm lợi và gần như chẳng bao giờ đề cập đến mặt hại. Sự thận trọng của người dùng là phương cách tốt nhất để tránh tiền mất tật mang.

 

Theo Việt Bình

 Sài Gòn giải phóng