Bảo hiểm y tế “cứu nguy” cho bệnh nhân chạy thận

(Dân trí) - Bất ngờ phát hiện suy thận độ 4 khi đang mang thai đứa thứ3, chị Tưởng Thị Thanh (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) phải bước vào điều trị lọc máu tuần 3 lần. “Lúc ấy cả gia đình choáng váng bởi phải nộp 1 khoản tiền lớn chạy thận vì không có bảo hiểm…”, chị Thanh nói.

 

1-chaythan-e9052
Nhờ có BHYT người bệnh suy thận mãn tính mới theo đuổi được quá trình điều trị lâu dài, tốn kém cả đời. Ảnh: H.Hải

Chị Thanh cho biết, dù đã sinh 2 đứa con nhưng đều ở quê, sinh nở chẳng tốn kém gì nên nhà chị chẳng ai có bảo hiểm y tế. Đến khi phát hiện suy thận khi mang thai đứa thứ 3, sau đó phải lọc máu, vào đến viện bác sĩ hỏi đến BHYT mới ngớ người.

“Đều đặn tuần chạy thận 3 buổi cộng với chi phí thuốc men, đi lại, ăn ở, mỗi tháng hết đứt khoảng hơn 7 triệu đồng, cả nhà điêu đứng. Nhờ bác sĩ dặn về đăng kí BHYT tự nguyện, cuối cùng đã đăng kí được từ đó mình mới yên tâm điều trị. Những tháng đầu luôn thấp thỏm, chạy thận được hôm nay rồi lo cho hôm tới lấy tiền đâu để nộp”, chị Thanh nói.

Đến nay, chị Thanh đã điều trị chạy thận tại BV Bạch Mai được hơn 1 năm. Thay vì phải đóng tiền điều trị khoảng 5 - 6 triệu tháng thì giờ chị Thanh phải đồng chi trả 20%, đóng khoảng 2 triệu tháng. “Gia đình đang lằm đơn xin hộ nghèo, như nhiều bệnh nhân chạy thận ở đây bảo hiểm y tế hộ nghèo không mất đồng nào chi phí điều trị”, chị Thanh cho biết.

Ngay giường bên cạnh, anh H.P.K cũng là bệnh nhân chạy thận được 3 năm nay. Do có BHYT tự nguyện, đồng chi trả 20% nên chi phí mỗi tháng anh đóng chỉ mất khoảng 2 triệu.

“Đúng là nếu không có BHYT, tôi không thể theo đuổi điều trị căn bệnh này. Bởi lẽ chi phí điều trị lớn, đều đặn mỗi tháng, người chạy thận sức khỏe yếu không làm thêm được nhiều việc, nếu không được BHYT gánh bớt một phần chi phí, tôi chắc chẳng ai có thể theo đuổi điều trị hàng năm”, anh K nói.

Đứng cạnh để đợi lọc thận, anh B.H.Q (32 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội) trầm ngâm vì đã đi làm mấy năm rồi, mà anh chẳng giúp được gia đình chút gì về kinh tế. Toàn bộ tiền thu nhập chỉ đủ chi phí chạy thận, có những tháng, gia đình còn phải giúp thêm, nên đến giờ anh vẫn không dám nghĩ tới chuyện lập gia đình.

Cũng chỉ từ những biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chán ăn, thèm nước, Quang đi khám và rất ngỡ ngàng khi đã bị suy thận ở giai đoạn 3B và buộc phải lọc máu tuần 3 lần. Do BHYT trái tuyến nên mỗi tháng, anh phải trả viện phí hơn 4 triệu đồng, trong khi mức lương chỉ 4,5 triệu/tháng.

Sau một thời gian dài chạy thận mình mới được chuyển đúng tuyến, nhờ thế mà chi phí giảm xuống, hiện chỉ còn đóng khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà mức lương tiết kiệm lại cũng đủ cho mình trang trải bệnh tật, ăn uống, không phải để bố mẹ già ở quê lo giúp. “Còn để nói sòng phẳng nếu không có BHYT chắc mình sẽ không thể điều trị nỗi với chi phí như vậy”, anh Q nói.

Chị Thanh cho biết, sau khi bất ngờ phát hiện bệnh suy thận với chi phí điều trị khủng, dù rất khó khăn nhưng chị đã “bấm bụng” mua BHYT cho cả gia đình.

“Như tôi, vốn khỏe mạnh, sinh hai đứa con đầu dễ dàng, chẳng ốm đau bệnh tật gì, đùng một cái suy thận phải ra viện, vào viện liên tục. Đúng là sức khỏe có thể gặp những rủi ro không thể lường nên cả gia đình đã thống nhất dù khó cũng phải dành tiền mua BHYT. Bỏ ra vài trăm nghìn cũng xót ruột, nhưng khi bị bệnh, thấy số tiền BHYT chi trả cho mình trong 1 tháng đã hơn tiền cả năm mua BHYT. Vì thế, anh chị em hai bên gia đình mà chưa có BHYT cũng đang đăng kí để mua, phòng những rủi ro về sức khỏe”, chị Thanh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết thời gian gân đây, số bệnh nhân suy thận có chỉ định chạy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, cao huyết áp… ngày càng tăng. Bạch Mai cũng là đơn vị lọc máu lớn nhất cả nước với khoảng hơn 600 bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ.  Tại khoa, một ngày tổ chức 4 ca lọc máu chạy thận với khoảng trên 80 bệnh nhân được chạy thận, trung bình mỗi ca hơn 4 tiếng nên ca thứ 4 kết thúc cũng thường ở lúc 12h đêm, 1 giờ sáng.

Tại BV, 100% bệnh nhân chạy thận đều có BHYT. Vì nếu không có BHYT sẽ không thể cứu được người bệnh do chi phí điều trị lớn, người bệnh bỏ ngang điều trị, chấp nhận cái chết vì không có tiền chi trả.

Cũng theo TS Dũng, trên thế giới người, người chạy thận tuổi trung bình từ 60 tuổi trở lên thì ở Việt Nam, suy thận giai đoạn cuối lại đang gặp ở rất nhiều người trẻ tuổi do việc phát hiện muộn, không được điều trị bảo tồn nên suy thận nặng sớm, phải lọc máu.

Trong khi đó lọc máu chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với điều trị bảo tồn (suy thận ở giai đoạn đầu 1, 2) và thường phải sau 5-10 năm mới phải chạy thận.

“Vì thế, việc phát hiện sớm để điều trị bảo tồn rất có ý nghĩa với bệnh nhân suy thận, giúp giảm chi phí. Tuy nhiên, bệnh suy thận lại diễn biến rất âm thầm, khó nhận biết. Khi đã có biểu hiện như ăn không ngon, mệt bất thường, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, tiểu khó, tiểu máu, tiểu đục, đau bụng, đau dọc theo vùng cột sống thắt lưng, cao huyết áp, phù nề hay bị chuột rút... thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Vì thế, tất cả mọi người (kể cả những người trẻ) nên khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm cơ bản về huyết học, tiết niệu 6 tháng/lần để phát hiện bệnh.

Hồng Hải