Báo động tình trạng rượu lẫn cồn công nghiệp bắt đầu "Nam tiến"
(Dân trí) - Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, 7 trường hợp uống rượu ngộ độc, tử vong tại TPHCM sau dịch Covid-19 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng rượu lẫn cồn công nghiệp bắt đầu "Nam tiến".
Tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (QL ATTP), bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban cho biết, ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà gây thiệt hại lớn về kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.
Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được Ban QL ATTP tập trung cho các đối tượng nguy cơ, thực phẩm cùng sử dụng cho nhiều người như bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện, công ty trong và ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp.
Từ năm 2017 đến tháng 6/2022, trên địa bàn TPHCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. Trong đó, có 8 vụ do tác nhân vi sinh vật, 3 vụ do tác nhân hóa lý và 1 vụ do độc tố. Đáng chú ý, tất cả trường hợp tử vong đều vào cuối năm 2021.
Cụ thể, thời điểm TPHCM vừa mở cửa bình thường mới, các Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bất ngờ tiếp nhận cấp cứu hàng chục trường hợp ngộ độc, đáng buồn là 7 trường hợp không qua khỏi. Cả 7 ca tử vong này có điểm chung là trước đó đều ăn nhậu.
Bà Phong Lan chia sẻ, vấn đề xác minh của Ban QL ATTP TPHCM gặp khó khăn vì các bệnh nhân không ngộ độc ngay lập tức, khi đoàn kiểm tra đến nơi thì rượu đã được dọn dẹp hết. Họ cũng không trả lời được việc mua rượu chính xác ở đâu, chỉ nói là mua trôi nổi. Với các triệu chứng xảy ra với bệnh nhân, cơ quan chức năng nhận định có độc tính từ methanol tác động.
Nhưng các bác sĩ điều trị nhận định đang trong thời điểm dịch bệnh, những trường hợp trên cũng đang nhiễm Covid-19, nên không thể kết luận tử vong do ngộ độc rượu hay do Covid-19.
"Tôi cho rằng ngộ độc methanol là nguy cơ đã xảy ra rồi, Covid-19 càng thúc đẩy việc đó. Dù sao điều này cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng rượu lẫn cồn công nghiệp đã bắt đầu "Nam tiến", khi trước đây chỉ xuất hiện ở các tỉnh biên giới phía Bắc" - bà Phong Lan nói với Dân trí.
Để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do cồn công nghiệp, bà Phong Lan cho biết thời gian sắp tới, Ban QL ATTP TPHCM sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường kiểm soát chặt mặt hàng rượu, nâng cao ý thức người dân về việc mua, sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng.
Ngộ độc methanol có thể gây mờ mắt
Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết đã tiếp nhận trường hợp của ông K.V. (52 tuổi, ngụ tại TPHCM) chuyển đến trong tình trạng lơ mơ, mạch huyết áp ổn định. Khai thác tiền sử, ông K. mua rượu về nhà uống, một tiếng sau thì cảm thấy khô, nóng rát cổ họng, nhức đầu, tối sầm mặt lại, bị ngất xỉu ngoài đường được người dân đưa vào cấp cứu.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm định lượng nồng độ methanol, bệnh nhân được xác định bị ngộ độc methanol. Bệnh nhân được truyền ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc, đồng thời được lọc máu ngắt quãng. Sau một ngày điều trị, tình trạng người bệnh tỉnh, các chỉ số sức khỏe cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng toan máu và qua cơn nguy kịch.
ThS.BS Hoàng Tiến Nam, khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện cho biết, người ngộ độc methanol (còn gọi là cồn công nghiệp) nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim, dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu qua cơn nguy kịch cũng để lại các biến chứng mờ mắt.