1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động tình trạng béo phì ở học sinh thành phố

(Dân trí) - “Béo phì đang gia tăng trên học sinh tại các thành phố lớn. Đây là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đái tháo đường, sỏi mật, ung thư, đe dọa sức khoẻ của các em”, khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng tại Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Y tế Công cộng lần thứ 4.

Theo kết quả khảo sát mới được TS Nguyễn Quang Dũng, Viện Dinh dưỡng, công bố thì tỷ lệ béo phì ở học sinh nội thành cao hơn so với ngoại thành; các hoạt động thể lực chưa đủ; năng lượng, lipid, glucid, khẩu phần cao; trình độ văn hoá và dinh dưỡng bố mẹ, chi phí cho ăn uống là những yếu tố liên quan đến béo phì.

 

Kết quả khảo sát này được tiến hành trên 757 học sinh từ 9-11 tuổi tại 4 trường của Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ béo phì học sinh tuỳ theo từng trường là 1,1%, 7,1%, 10,8%, có trường cá biệt lên tới 41,1%.

 

Để làm rõ thêm về hiện tượng béo phì đáng báo động ở học sinh hiện nay, Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Viện phó Viện Dinh dưỡng Việt Nam:

 

Ông có thể cho biết tình trạng béo phì của học sinh hiện nay đang có xu hướng như thế nào?

 

Theo điều tra mới nhất được công bố của TS Nguyễn Quang Dũng cho thấy có trường có học sinh bị béo phì lên tới trên 41%. Tuy nhiên, theo tôi thì điều tra này chưa phải là đại diện cho số đông nhưng cũng nói lên một hiện trạng: vấn đề béo phì cần phải được báo động, đặc biệt đáng quan tâm ở nhóm tuổi học sinh.

 

Béo phì cũng không chỉ xuất hiện ở đối tượng này mà còn ở các nhóm tuổi khác như người trưởng thành, lớn tuổi…

 

Hiện này vấn đề béo phì chưa nghiêm trọng ở các vùng nông thôn nhưng ở thành phố thì rất nghiêm trọng.

 

Vậy nguyên nhân của tình trạng béo phì này là do đâu, thưa ông?

 

Có nghiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cá nhân tôi thì thấy có các nguyên nhân chính sau:

 

Thứ nhất là do sự lệch lạc trong chế độ ăn uống như sự chăm sóc thái quá của các gia đình có điều kiện kinh tế, dẫn tới việc không giới hạn khẩu phần ăn của trẻ.

 

Thứ hai là việc kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ học bán trú chưa được làm triệt để, quyết liệt.

 

Thứ ba, do các em học sinh hay ăn hàng quán rong từ các cổng trường, căng tin.

 

Mặt khác thì bố mẹ các em mải mê kiếm tiền, phó mặc chuyện ăn uống của con cái. Trong khi đó, không gian vui chơi của thì eo hẹp do các em học sinh khó có điều kiện chơi thể dục thể thao.

 

Từ trước tới nay, Viện Dinh dưỡng đã đưa ra những khuyến cáo về bệnh béo phì trong trường học chưa, thưa ông?

 

Trước đây chúng tôi đã làm việc với Bộ GD-ĐT triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền tới các đối tượng nhằm góp phần giảm thiểu trẻ bị béo phì.

 

Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT tuyên truyền cho học sinh, giáo viên thực hiện các chế độ dinh dưỡng; đẩy mạnh tuyên truyền ý thức dinh dưỡng trong bữa ăn con trẻ cho cha mẹ học sinh.

 

Thời gian tới thì Viện Dinh dưỡng sẽ có những động thái gì để làm giảm nguy cơ béo phì ở học sinh hiện này, thưa ông?

 

Theo lộ trình thì đến năm 2008 sẽ có cuộc tổng điều tra dinh dưỡng học đường do Viện Dinh dưỡng phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành để biết học sinh mình như thế nào, ăn ra làm sao.

 

Sau khi có kết quả điều tra thì  Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ có những văn bản liên quan tới sức khoẻ học đường và dinh dưỡng học đường, trong đó quy định cụ thể thực đơn ở các lứa tuổi.

 

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm