1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động tai nạn “hóc” dị vật đường thở ở trẻ

(Dân trí) - Ho kéo dài cả tháng khiến bé bỏ ăn, sụt cân nghiêm trọng, tại bệnh viện bác sĩ gắp ra giữa ổ mủ trong cuống phổi bệnh nhi một chiếc bóng đèn nhỏ. Đó là một trong rất nhiều ca tai nạn thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ sơ ý.

Thời gian gần đây, hai bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TPHCM số trẻ bị tai nạn dị vật đường thở đang có dấu hiệu tăng bất thường. Theo bác sĩ các bệnh nhi bị dị vật lọt vào đường thở thường xuất phát từ những nguyên nhân rất đơn giản.

 

Đa phần các bé nhập viện với triệu chứng khò khè, khó thở đột ngột, hoặc khàn tiếng và thường được chẩn đoán lầm với cơn suyễn cấp tính hoặc viêm thanh khí phế quản cấp. Rất ít trường hợp ghi nhận có triệu chứng ho sặc khi ăn uống trước đó. Dị vật thường gặp ở trẻ em là hạt đậu phộng, hạt dưa, xương cá, xương lươn ...hoặc các loại hoa quả có hạt nhỏ.

 

Cuối tháng 9, bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận cùng lúc hai bệnh nhi là bé trai K.V.B (3 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) và bé gái Đ.T.M (2 tuổi, ngụ tại Đắc Lắc). Cả hai đều được bệnh viện địa phương chuyển đến vì sau nhiều ngày điều trị vẫn không thể xác định được nguyên nhân khiến các bé ho kéo dài, sốt cao và khó thở.


Báo động tai nạn “hóc” dị vật đường thở ở trẻ - 1
Bé B. đã trải qua nhiều ngày đau đớn vì hạt đậu phộng lọt vào khí quản  
 

Tìm hiểu bệnh lý, bác sĩ ghi nhận trước khi nhập viện bé B. thấy bố ngồi nhậu với hạt đậu phộng nên chạy tới xin. Sau khi ăn được vài hạt, cháu ho sặc sụa, mọi chuyện tưởng như chẳng có gì xảy ra bởi tình trạng ho của bé tạm lắng ngay sau đó.

 

Tuy nhiên ít ngày sau cháu bắt đầu sốt cao bỏ ăn kèm theo đó là hiện tượng ho, khàn tiếng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với bé M. sau khi cháu bắt chước người lớn cắn hạt dưa. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, bằng phương pháp nội soi bác sĩ đã gắp ra từ khí quản của bé B. nửa hạt đậu phộng và từ phế quản của bé M. một hạt dưa còn nguyên vỏ.

 

Nhiều tai nạn tương tự khác xảy ra xuất phát từ sự sơ ý của cha mẹ nhưng họ cũng không nhận thức được điều đó, điển hình như trường hợp bé V.N.T.L (15 tháng tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TPHCM). Cháu nhập viện ngày 11/10 trong tình trạng khàn tiếng và khó thở cấp tính. Theo lời mẹ của bé kể, một ngày trước nhập viện bé đột ngột gặp phải triệu chứng này vì trước đó cháu không hề bị ho hay sặc thức ăn.

 

Tuy nhiên qua kiểm tra, bác sĩ nhận định nhiều khả năng bé bị dị vật đường thở nên tiến hành nội soi và ghi nhận có một mảnh xương nằm trong khí quản. Sau khi gắp dị vật ra, tình trạng khàn tiếng và khó thở của bé cũng chấm dứt. Lúc này người mẹ mới chợt nhớ ra, trước đó ít ngày chị có cho bé ăn cháo lươn nhưng không ngờ trong cháo vẫn còn xương sót lại.

 

Nguy hiểm hơn cả là trường hợp của bé P.T.A (20 tháng, ngụ tại Bến Tre). Cháu được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 sau 30 ngày thở co kéo, ho và sổ mũi liên tục. Trước đó bé đã được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện địa phương được bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi. Dù đã uống và chích nhiều loại thuốc nhưng tình trạng bệnh giảm được ít ngày thì tái lại.


Báo động tai nạn “hóc” dị vật đường thở ở trẻ - 2
Phim X-quang cho thấy chiếc bóng đèn nằm trong phổi trái của bé A


Tại Nhi Đồng 1, kết quả chụp X-quang phổi ghi nhận, cả hai lá phổi của bé đều bị viêm, phổi trái bị xẹp một phần, lồng ngực bên trái có hình ảnh của vật kim khí. Bác sĩ tiến hành nội soi thì phát hiện cuống phổi bên trái có nhiều mủ đục, giữa ổ mủ gắp ra được một bóng đèn điện nhỏ, loại bóng đèn nháy dùng để trang trí làm đẹp nhà cửa.

 

Nhìn thấy chiếc bóng đèn, người mẹ giật mình nhớ lại trong lúc trang trí nhà cửa đã để bé nhặt bóng đèn chơi đưa vào miệng ngậm không ngờ chiếc bóng trôi tuột vào họng. Tuy nhiên sau đó không thấy bé có biểu hiện gì lạ nên gia đình không đưa đi kiểm tra.

 

BS CKII Nguyễn Kim Thoa, bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo: Để tránh cho các bé gặp những tai nạn tương tự các bậc phụ huynh phải luôn để mắt đến con em mình, không cho trẻ chơi bất kỳ vật nhỏ nào có thể đưa được vào miệng ngậm mút. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt vật lạ vào miệng phải đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

 

Trước khi cho trẻ ăn các loại thức ăn có xương nhỏ, hoặc các loại hạt hay hoa quả có hạt như đậu phộng, hạt dưa, hạt bí, mảng cầu, na…cần phải loại bỏ hết xương, hạt trước. Không nên để bé tự lựa hạt vì nó có thể làm cho bé bị ho sặc khi ăn khiến các hạt này rơi vào đường thở gây tắc nghẽn đường thở, viêm phổi hoặc áp xe phổi, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.


Vân Sơn