1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Báo động rối nhiễu tâm trí ở thanh thiếu niên

(Dân trí) - Học lớp 10 trường điểm Amstesdam, H.N bỗng dưng chán học, mất phương hướng, trở nên lì lợm, ít nói, thích tự “hành xác” bằng cách ngồi lì trong phòng. Hoá ra, áp lực học tập với những bài toán khó, cạnh tranh giữa các bạn đã đẩy em trở nên bất cần…

Cha mẹ ít quan tâm đến con cái, áp lực học tập, bạo lực trường học… là những yếu tố đẩy trẻ đến tình trạng bị rối nhiễu tâm trí (RNTT). Theo nghiên cứu, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ bất thường, bị RNTT gây ảnh hưởng nặng nề tới tương lai trẻ.

Học sinh ngoan cũng mang dao đến lớp

Bác sĩ Trần Tuấn, TT Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng đau lòng nói: Môi trường bạo lực, bất an khiến một học sinh vốn ngoan nhưng vẫn luôn dấu một con dao nhỏ trong cặp để tự bảo vệ mình trước những yếu tố không an toàn.

Đó là con trai một người bạn của BS Tuấn. Cháu đang học cấp 3, rất cao to, giỏi võ, học hành thì rất “tanh tưởi”, chưa bao giờ đánh nhau với bạn bè ở trường. Tình cờ phát hiện trong cặp sách của cậu có con dao nhíp, cha mẹ rất lo lắng, hỏi mới biết từ lâu, chàng trai này đã mang dao trong cặp, để bảo vệ chính mình trước nạn bạo lực học đường.

“Đây là một biểu hiện của rối nhiễu tâm trí. Cậu bé này luôn sống trong tâm trạng lo lắng, sợ bị những bạn làm hại mình. Nỗi bất an này luôn thường trực, nếu không khắc phục kịp, nó sẽ đẩy cậu trò này rơi vào trạng thái căng thẳng dẫn đến rối nhiễu tâm trí”, BS Tuấn nói.

Hay như một cô bé 17 tuổi, đã từng hai lần tự tử hụt, bỏ học từ năm 15 tuổi, kiên quyết đòi cha mẹ cho chuyển giới thành nam, dù trước đó, bé cũng là một con ngoan trò giỏi đã khiến cha mẹ cô sững sờ. Tìm hiểu mãi, các bác sĩ tại TT Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng mới biết nguyên nhân thực sự của vấn đề. Năm 13 tuổi, cô cùng một nhóm bạn đi tham quan Đền Hùng và đã bị một nhóm thanh niên xấu ức hiếp cả nhóm (không xác định có cô bé không vì bé nhất quyết không nói). Từ đó, cô bé thấy vô cùng sợ hãi vì mình là con gái. Thấy là con gái khổ quá, nhiều thiệt thòi nên cô nhất quyết đòi bố mẹ cho đi chuyển giới thành nam.

Theo BS Tuấn, tình hình rối nhiễu tâm trí ở thanh thiếu niên đã trở thành vấn đề y tế công cộng và gánh nặng với gia đình và xã hội Việt Nam. Theo kết quả điều tra dịch tễ mẫu, do TT Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng tiến hành trong 5 năm qua, tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam ở lứa tuổi từ 8-17 bị rối nhiễu tâm trí chiếm tới gần 20%.

Dấu hiệu cảnh báo RNTT ở thanh thiếu niên

 

Trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên khóc quấy dai dẳng nhiều ngày hoặc không khóc, không cười, không có biểu hiện phản ứng với xung quanh, cáu kỉnh, tỏ ra rất bướng bỉnh, hành hạ vật nuôi, không biết sợ nguy hiểm, có hành vi khác thường, hay phá đồ chơi, vật dụng trong nhà, thu mình, không chơi với trẻ khác.

 

Trẻ từ 5-18 tuổi: hiếu động quá mức, không chơi được thứ gì lâu, giảm chú ý, học sút kém, bỏ nhà đi qua đêm, hay la hét, cáu giận vô cớ, khó bảo, hung bạo, ăn cắp, thường xuyên buồn bã, tỏ ra lo lắng không đáng có, dễ hoảng sợ, có ý định tử tử, hay đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, ốm, đái dầm không tìm ra nguyên nhân.

Dễ chẩn đoán nhầm

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rối nhiễu tâm trí là loại bệnh phổ biến nhất, đứng đầu trong danh sách bệnh tật của con người, vượt lên cả HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng thông thường và tim mạch.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), có tới 20% trẻ bị rối nhiễu tâm trí. Những rối nhiễu từ nhẹ mà không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tăng sự trầm trọng của các bệnh khác. Tuy nhiên, những dấu hiệu để nhận biết ban đầu căn bệnh này không phải dễ thấy.

Theo BS Tuấn, RNTT thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh, bệnh diễn biến kéo dài và phức tạp nên rất dễ bị chấn đoán nhầm sang bệnh khác hoặc không chẩn đoán được. Ban đầu, RNTT có những biểu hiện như nhức đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, lo lắng, mất tập trung, giảm trí nhớ…

Và vì việc khám thường không được tỷ mỉ, chỉ hỏi qua loa triệu chứng nên nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thành cúm, viêm họng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim… Đáng nói là một phần lớn trong số đó tự khỏi nên mọi người càng trở nên chủ quan, còn một số bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng lên, các triệu chứng biểu hiện rõ rệt và liên tục, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, trẻ dần mất tập trung học tập, sức học sa sút, chán học và thậm chí bỏ học. Trẻ có những rối loạn nhân cách, gây gổ, đánh nhau, hung bạo một cách quá mức, độc ác với xúc vật, không biết nguy hiểm là gì, rối loạn hành vi, không tập trung được. Nặng hơn trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, hoảng hốt lo lắng không có lý do, hay khóc một mình, có những ý nghĩ cực đoan, bỏ nhà ra đi, tự tử…

Can thiệp sớm giảm nguy cơ

“Không ai dám đánh bạc với sức khoẻ của con cái, để cho bệnh tự khỏi hoặc sẽ diễn tiến theo chiều hướng xấu. Vì thế, việc can thiệp sớm ngay từ khi có dấu hiệu chớm bệnh là thông minh, khoa học nhất”, BS Tuấn nói.

Việc xây dựng mô hình lý thuyết phòng chống rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ rối nhiễu tâm trí, thực hiện điều trị sớm và toàn diện cả ba mặt: hoá trị liệu, tâm lý trị liệu và cải thiện môi trường sống thích nghi với đối tượng là điều vô cùng cần thiết.

Cụ thể, đó là sử dụng bản hỏi khoa học SDQ25 phiên bản tiếng Việt để phát hiện RNTT ở trẻ từ 4-16 tuổi để có những can thiệp kịp thời. Nhưng quan trọng hơn, đó là làm sao để cân bằng được lối sống cho mỗi người. Những căng thẳng, lo âu kéo dài, bất an… đều là những tác nhân trực tiếp gây nên tình trạng rối nhiễu tâm trí.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ