TPHCM:

Báo động các yếu tố ô nhiễm môi trường lao động

(Dân trí) - Kết quả đo kiểm môi trường lao động cho thấy, các yếu tố có tỷ lệ mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép tương đối cao. Tình trạng môi trường lao động bị ô nhiễm đang trở thành vấn nạn trực tiếp phát sinh các bệnh nghề nghiệp.

 

Môi trường lao động ô nhiễm là nguyên nhân gây ra các bệnh nghề nghiệp
Môi trường lao động ô nhiễm là nguyên nhân gây ra các bệnh nghề nghiệp

Ngày 20/1, thông tin từ TS.BS Huỳnh Tân Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường (Sở Y tế TPHCM), cho hay, trong năm 2015, đơn vị này đã tiến hành đo kiểm môi trường lao động tại 1.424 cơ sở gồm công ty, xí nghiệp trực thuộc nhà nước, các công ty liên doanh liên kết với nước ngoài, hợp tác xã, công ty cổ phần, tư nhân…

Kết quả chỉ ra nhiều yếu tố môi trường lao động có tỷ lệ mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép như: điện từ trường 4,7%; hơi khí độc 5,3%; nhiệt độ 14%; tiếng ồn 13%; ánh sáng 22%. Đây là sự ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, khiến nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc, điếc, bệnh về da… lên tới gần 65%.

Nguy cơ mắc bệnh cao, nhưng thực tế công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở hầu hết các cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ hơn 21% cơ sở có yếu tố nguy cơ thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong khi đó, việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân công cũng chỉ đạt hơn 91%. Thông qua hoạt động quản lý khám sức khỏe định kỳ, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường chỉ ra, người lao động có sức khỏe từ loại kém đến rất kém chiếm tới hơn 27% (trong đó loại rất kém chiếm 4,2%).

Thực trạng trên là do đơn vị sử dụng lao động đang trốn tránh trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn lao động cho người lao động; công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo; chính sách cho cán bộ y tế hệ dự phòng chưa phù hợp, mức thu nhập thấp nên không thu hút được nhân lực dẫn tới thiếu bác sĩ chuyên khoa về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Vân Sơn