Bánh đúc cổng chùa, lễ hội: Coi chừng ngộ độc!
Tại các cổng chùa, cổng lễ hội, bánh đúc là một trong những món ăn dân giã, giá rẻ được nhiều người ưa chuộng.
Tuy nhiên, đa số các mẹt bánh đúc này đều không được che đậy, đó là còn chưa kể tới nỗi lo người bán sử dụng hàn the để bánh giòn, ngon hơn bất chấp những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà loại phụ gia độc hại này gây ra.
Hằng năm, vào đầu năm, lượng khách đổ về các lễ hội, chùa chiền rất đông. Các hàng quán bán thực phẩm, bánh trái mọc lên san sát. Bánh đúc, bánh tẻ, xúc xích, chè kho… được bày bán công khai từ ngoài cổng cho đến các hàng quán ven đường đi. Là món ăn phổ biến, dân giã và dễ ăn nên sau hành trình dài đi lại vừa đói, vừa mệt, nhiều thực khách chọn bánh đúc là món ăn tiếp thêm năng lượng cho cơ thể, chuẩn bị cho hành trình cúng bái, lễ lạt tiếp theo.
Chất lượng bánh đúc ở mỗi hàng, mỗi lễ hội, mỗi chùa có thể khác nhau song chúng đều có điểm chung là được bày bán trên những thúng mẹt "chơ vơ" giữa trời và không được che đậy bởi bất cứ vật dụng nào. Khi có khách mua, chẳng cần găng tay nilon hay dùng các dụng cụ trợ giúp để gắp, người bán hàng vô tư dùng tay trần để bốc bánh rồi bày biện ra đĩa bát cho thực khách thưởng thức.
Vừa trở về từ lễ hội chùa Hương, chị Thu Dung (Cầu Giấy, HN) cho biết: “Đi lễ vào ngày cuối tuần, người người chen nhau ngộp thở, leo trèo cả buổi nên người mệt lả ra, chỉ cần ngồi xuống có đồ ăn, cốc nước uống là lao vào ăn uống chứ ai còn để ý đến đồ ăn có vệ sinh hay không vệ sinh”.
Bánh đúc ở khu vực lễ hội, cổng chùa thường bày bán ở dọc đường, người đi lại đông, bụi bặm liên tục, thức ăn sống bày bán ngay bên cạnh… nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, cũng giống như chị Dung, tâm lý chung của nhiều du khách khi đi lễ chùa là mệt đâu ăn đó chứ ít khi đủ tỉnh táo để cân nhắc quán nào vệ sinh, quán nào kém an toàn.
Nếu như các yếu tố như bánh đúc bán công khai không được che đậy, người bán dùng tay trần bốc bánh người mua có thể tận mắt nhìn thấy thì bán đúc bán ở các cổng chùa, lễ hội còn tiềm ẩn một nguy cơ khác khó kiểm nghiệm bằng mắt thường đó là người bán sử dụng hàn the - loại phụ gia đã bị cấm sử dụng để cho vào bánh, giúp bánh có độ giòn, ngon và lâu thiu.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, hàn the là một loại hóa chất rất độc hại. Khi vào cơ thể, hàn the sẽ tích tụ ở gan, phổi, dạ dày, thận, mật và ruột…rất khó bị đào thải ra ngoài.
Khi tích tụ số lượng đủ lớn, chúng sẽ bộc phát ra ngoài gây bệnh mạn tính. Với hệ tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội đầu năm, các đoàn công tác, quản lý về ATVSTP cũng có các biện pháp kiểm tra, xử phạt các hàng quán vi phạm. Tuy nhiên, do số lượng người còn ít nên việc kiểm tra kiểm soát một cách toàn diện dường như là điều không tưởng. Do đó, ngoài yếu tố đạo đức của người bán, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình, du khách nên thận trọng trước khi quyết định dừng lại nghỉ ngơi và ăn uống các hàng quán.
Đầu năm 2013, Thanh tra Sở y tế phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận Tây Hồ và phường Quảng An tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các nhà hàng ăn uống tạiPhủ Tây Hồ. Đoàn kiểm đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh bánh đúc tại lễ hội, qua xét nghiệm nhanh phát hiện sản phẩm có dùng hàn the - một phụ gia được cấm dùng trong thực phẩm. Đoàn đã lập biên bản đình chỉ kinh doanh của 2 cơ sở và tịch thu hơn 17kg bánh đúc có hàn the.
Theo Dương Trịnh
Chất lượng Việt Nam