1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bạn biết gì về thực phẩm biến đổi gen?

Trong khi thực phẩm biến đổi gen, cây trồng biến đổi gen và sinh vật biến đổi gen đang phổ biến trên nhiều quốc gia trên thế giới; nhiều người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ ở nước ta vẫn còn những băn khoăn về sản phẩm công nghệ sinh học (CNSH) này…

 

Bạn biết gì về Thực phẩm biến đổi gen?

Đậu tương là một trong những cây trồng CNSH đang được phổ biến trên nhiều quốc gia (nguồn gmoa)

 

Chúng tôi xin tổng hợp những thông tin từ các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông của Liên hợp Quốc (FAO), và Quỹ và Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC), ...vv để trả lời những câu hỏi thường gặp của các bạn về vấn đề này.

 

Thực phẩm biến đổi gen là gì?

 

Cụm từ “Thực phẩm biến đổi gen” được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng chuyển gen - hay còn gọi là cây trồng GM, cây trồng biến đổi gen, cây trồng CNSH.

 

Cây trồng biến đổi gen là gì?

 

Cây trồng chuyển gen là loại cây trồng được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gen chọn lọc để tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn.

 

Về mặt bản chất, các giống lai từ trước đến nay (hay còn gọi là giống truyền thống) đều là kết quả của quá trình cải biến di truyền. Điểm khác biệt duy nhất giữa giống lai truyền thống và giống chuyển gen là gen (DNA) được chọn lọc một cách chính xác dựa trên khoa học công nghệ hiện đại và chuyển vào giống cây trồng để đem lại một tính trạng mong muốn một cách có kiểm soát.

 

Có độc tố trong thực phẩm GM không?

 

Mọi vật chất, cả tự nhiên và nhân tạo, đều có độc tố nhất định, không phân biệt cây trồng truyền thống hay cây trồng chuyển gen. Những vật chất được coi là độc tố thường có hại cho sức khỏe khi bị phơi nhiễm ở một liều lượng nào đó.

 

Trong thực phẩm chúng ta ăn từ xưa tới nay đều tồn tại độc tố ở hàm lượng nhất định, hầu hết ở mức độ an toàn với người sử dụng. Do cây trồng truyền thống và cây trồng chuyển gen chỉ khác nhau về gen quy định tính trạng mong muốn được chuyển vào nên lượng độc tố tự nhiên (nếu có) tồn tại trong cây trồng truyền thống cũng sẽ có mặt trong cây trồng chuyển gen. Ví dụ, cả giống cải dầu GM và cây cải dầu truyền thống đều có chứa a-xít eruxic, và có một lượng nhất định a-xít eruxic được phép tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc từ cây cải dầu, như dầu từ hạt cải dầu.

 

Thực phẩm GM có được đánh giá khác so với thực phẩm truyền thống?

 

Đại đa số người tiêu dùng cho rằng thực phẩm truyền thống (được sử dụng hàng ngàn năm nay) là an toàn, mặc dù thực tế một số đặc tính của chính thưc phẩm truyền thống vẫn có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

 

Giống cây trồng mới được tạo ra bằng kỹ thuật truyền thống thường không phải trải qua các quá trình đánh giá nghiêm ngặt. Trong khi đó, nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ, các hệ thống đánh giá khắt khe và nghiêm ngặt đã được thiết lập bởi các tổ chức uy tín nhất trên toàn cầu để quản lý và đánh giá tính an toàn của thực phẩm GM.

 

Quản lý và đánh giá an toàn với thực phẩm GM trên thế giới?

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Cục Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA)... đã thiết lập ra các hệ thống quy chuẩn để đánh giá và quản lý an toàn của thực phẩm GM. Mọi thực phẩm GM đều phải được chứng nhận không có nguy cơ về sức khỏe với con người dựa trên Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) thiết lập bởi WHO mới được đưa ra thương mại hóa. 

 

Trong vòng gần hai thập kỷ, 2 nghìn tỷ bữa ăn làm từ thực phẩm GM đã được tiêu thụ trên toàn cầu và không có bất kỳ một bằng chứng nào về tác hại của thực phẩm GM đối với sức khỏe con người. Đây là bằng chứng mạnh mẽ khẳng định tính an toàn của thực phẩm GM.

 

Chuyện gì xảy ra khi ta ăn DNA (gen) trong thực phẩm GM?

 

Chúng ta trực tiếp ăn DNA mỗi ngày vì đây là 1 thành phần tự nhiên và vô hại trong hầu hết các thực phẩm ta dùng như hoa quả, rau, ngũ cốc, thịt... Các DNA này sẽ được phân hủy bởi các engym trong hệ tiêu hóa trong thời gian ngắn. DNA được chuyển vào cây trồng GM hoàn toàn giống như bất kỳ DNA nào khác ở bất kể thuộc loài nào. Hệ tiêu hóa của chúng ta đón nhận tất cả các DNA như nhau, không phân biệt DNA của sinh vật chuyển gen hay bất kỳ DNA nào khác. Nên khi ta ăn DNA trong một thực phẩm GM hay thực phẩm truyền thống, sẽ không thay đổi DNA của bạn hay của con cái bạn.

 

Thực phẩm làm từ động vật được nuôi từ thức ăn GM có đáng ngại?

 

Phần lớn các loại động vật đang được nuôi bởi các loại ngũ cốc có thành phần từ cây trồng GM. Nhiều người e ngại rằng điều này có thể gây ra nguy cơ gián tiếp đối với con người khi ăn thịt, sữa và trứng của các động vật này. Tuy nhiên lo ngại này đã được bác bỏ bởi các bằng chứng khoa học của các tổ chức uy tín nhất thế giới như WHO, FAO, FDA…, trong đó có tài liệu của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều cho thấy nuôi gia súc và gia cầm bằng nguyên liệu từ cây GM không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng hay tính an toàn của thịt, sữa và trứng của các động vật đó.

 

Tại sao nghiên cứu và phát triển thực phẩm GM trên toàn cầu?

 

Tính đến năm 2050, ước tính dân số sẽ chạm mốc 9 tỷ người. Theo Uỷ ban Nông Lương Liên hợp quốc, điều này có nghĩa là lượng thực phẩm cần sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho toàn cầu trong giai đoạn 2000 – 2050 tương đương với tổng lương thực cần trong 10.000 năm trước đây, trong khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp, biến đổi khí hậu gay gắt trên toàn cầu. Hiện nay, thế giới vẫn đang phải đối mặt với thách thức hơn 1 tỷ người còn đang thiếu đói.

 

Chính vì thế, cây trồng CNSH được tạo ra nhằm mục tiêu giải quyết thách thức nông nghiệp toàn cầu, nâng cao năng suất cây trồng trên cùng một diện tích đất canh tác nhờ các ưu thế lai chính xác và vượt trội, giảm lượng thuốc trừ sâu, xói mòn đất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

 

T.Nguyên