Bấm lỗ tai sớm để tránh sẹo lồi
Nếu đợi đến tuổi dậy thì hoặc muộn hơn mới bấm lỗ tai thì nguy cơ phát triển sẹo lồi rất cao. Giai đoạn lý tưởng nhất là trước 11 tuổi.
Sẹo lồi là hiện tượng phổ biến và xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Đặc biệt là nếu cha mẹ bị sẹo lồi thì nguy cơ ở con cái sẽ rất cao. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Loretta S. Davis, trường Y Georgia (Anh), dường như nó ít có nguy cơ phát triển ở giai đoạn đầu của thời kỳ thơ ấu.
Sẹo lồi là kết quả của sự tăng sinh không kiểm soát của mô sợi sau khi da bị tổn thương. Những vùng da dễ bị sẹo lồi là tai, da đầu, mu bàn chân và ngực. Những mảng da màu hồng, đôi khi đau và ngứa thường phát triển quanh khu vực bị tổn thương và sau đó lan rộng sang các mô xung quanh. Nguyên nhân và cơ chế hình thành sẹo lồi vẫn còn là điều bí ẩn. Sẹo lồi phổ biến ở người da đen hơn những chủng người khác.
Trong nghiên cứu của Davis trên khoảng 32 bệnh nhân sẹo lồi sau khi bấm lỗ tai, khoảng 56% số này có thành viên trong gia đình, thường là mẹ, bị sẹo lồi. 16 người đã phát triển sẹo sau lần bấm lỗ tai đầu tiên, và 20 người đã bị sau lần bấm tiếp theo. Quan sát cho thấy những người xuyên lỗ tai lúc 11 tuổi hoặc muộn hơn dễ phát triển sẹo hơn những người bấm khi còn trẻ hơn.
Trong số những người có tiền sử sẹo lồi trong gia đình, gần 86% bị sẹo do bấm sau 11 tuổi. Trong khi đó, con số này ở nhóm bấm trước tuổi 11 chỉ là 27%. "Sẹo lồi dường như dễ phát triển trong giai đoạn dậy thì", Davis cho biết. Vấn đề là đó cũng là lúc các thiếu nữ lại muốn bấm lỗ tai làm đẹp.
Liệu pháp trị sẹo lồi khá đa dạng, từ bôi thuốc mỡ corticosteroid cho đến phẫu thuật. Tuy nhiên, sẹo lồi thường tái xuất hiện sau phẫu thuật và những sẹo loại này thường lớn hơn cái trước đó. Do đó, cách tốt nhất là phòng tránh.
Những người có tiền sử sẹo lồi trong gia đình nên nhắc nhở con cái cẩn thận tránh tổn thương da và cho con bấm lỗ tai khi còn nhỏ hoặc là không bao giờ sau đó.
Theo Mỹ Linh
Vnexpress/Reuters