1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Baking soda gây mài mòn men răng có như lời đồn?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, khi sử dụng NaHCO3 hàng ngày sẽ làm thay đổi pH khoang miệng và gây mòn men răng. Đây là quan điểm mang tính chủ quan, thiếu khoa học.

Theo luận điểm này, Natri bicarbonate (NaHCO3) có tính kiềm nhẹ và cho rằng sử dụng baking soda thời gian dài sẽ "tồn dư" gây thay đổi pH khoang miệng là hoàn toàn không chính xác. Bởi để đánh giá hay đưa ra một nhận định nào đó cần có sự đánh giá dựa trên đồng thời các yếu tố sau: độ tuổi sử dụng, sức khỏe răng miệng, liều lượng sử dụng và tần suất sử dụng và tính chất hóa học của sản phẩm.

Trong khi NaHCO3 là một chất dễ tan trong nước và phân li ra các ion hoàn toàn an toàn cho cơ thế (thậm chí các ion này là thành phần không thể thiếu trong huyết tương và dịch ngoại bào của cơ thể, thậm chí trong máu). Vậy nên việc cho rằng NaHCO3 có tồn dư lại là sai.

Theo thông tin của tạp chí Nhi khoa châu Âu, với thử nghiệm in vitro trên tình nguyện viên, NaHCO3 không gây bào mòn và làm giảm độ cứng của men răng. Ngược lại, cũng đã có nhiều bài báo khoa học và nghiên cứu khác khẳng định NaHCO3 với hàm lượng trong ngưỡng cho phép không hề gây mòn men răng mà còn có tác dụng chống mòn men răng (theo nghiên cứu dưới đây)

Theo các nghiên cứu của hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ:

Baking soda gây mài mòn men răng có như lời đồn? - 1
Cơ chế NaHCO3 chống lại sự mòn men răng gây ra bởi acid.

NaHCO3 có vai trò thay đổi pH từ acid sang trung tính nhờ ion HCO3- giúp trung hòa acid từ đó ngăn ngừa quá trình khử khoáng.

Đây là hình ảnh quá trình khử - tái khoáng của răng:

Khi có thức ăn phân hủy, dưới tác động của vi khuẩn tạo môi trường acid H+( chủ yếu là acid lactic), khi pH giảm dưới 5,5 thì quá trình khử khoáng diễn ra, các ion trong men răng như Ca2+, PO4-, HPO4- phân ly, men răng bị bào mòn dần (hình bên trái).

NaHCO3 tính kiềm yếu (pH khoảng 8,4) , phân ly thành Na+ và HCO3-, ion HCO3- sẽ trung hòa H+ làm tăng pH, pH tăng trên 5,5, quá trình tái khoáng diễn ra (hình bên phải).

Vì vậy, nhờ có baking soda (NaHCO3) mà ngăn ngừa quá trình khử khoáng, bảo vệ men răng

Từ tác dụng của NaHCO3 trong bảo vệ sức khỏe răng miệng, NaHCO3 là thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm kem đánh răng, nước súc miệng hay gạc răng miệng dành cho trẻ em. Do vậy, chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, không hoang mang với các thông tin chưa đúng sự thật về NaHCO3.

Với mỗi độ tuổi mục đích sử dụng NaHCO3 được thể hiện là khác nhau:

- Đối với trẻ 0-6 tháng tuổi: Khi chưa mọc răng, sử dụng chế phẩm chứa NaHCO3 sẽ giúp tiêu diệt vi nấm , vi khuẩn trong khoang miệng, đặc biệt với trẻ dùng sữa ngoài.

- Từ 6 tháng - 1 tuổi: Khi đang là răng sữa đồng thời tập ăn dặm điều này khiến cho thức ăn bám lại trên kẽ răng, bề mặt răng thậm chí trong cả khoang miệng sẽ gây nên mài mòn men răng do sinh ra acid. Chế phẩm có sử dụng NaHCO3 giúp trẻ trung hòa acid làm giảm sâu răng.

- Từ 1-2 tuổi: Khi hàm răng sữa của bé đã hoàn thiện, trẻ ăn nhiều hơn đặc biệt độ tuổi này trẻ rất thích ăn đồ ngọt vì vậy càng dễ sâu răng. Việc sử dụng các chế phẩm chứa baking soda (NaHCO3) càng phát huy được tác dụng làm giảm hệ sinh vật gây bệnh và làm giảm mảng bám. Điều này được chứng minh dựa trên khả năng mài mòn của baking soda.

Baking soda gây mài mòn men răng có như lời đồn? - 2
NaHCO3 và ý nghĩa trong phòng chống các bệnh răng miệng ở trẻ nhỏ.

Một câu hỏi đặt ra rằng, vậy nếu không sử dụng NaHCO3 trong sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì có thành phần nào khác thay thế được không? Với nghiên cứu và đánh giá từ Hội nha khoa Hoa kỳ dưới đây sẽ làm sáng tỏ câu hỏi của bạn:

1. Khả năng mài mòn của baking soda dựa vào 3 tiêu chí: Độ cứng, giảm mảng bám và giảm hệ vi sinh vật

- Baking soda (NaHCO3) có độ cứng là 2,5 độ mài mòn thấp nhất trong tất cả các chất mài mòn được ứng dụng trong kem đánh răng, nước súc miệng, chất vệ sinh răng miệng. Hơn nữa baking soda có khả năng hòa tan cao nên độ mài mòn thấp và cũng vì hòa tan cao nên không gây "tồn dư" lại khoang miệng. Chính vì thế, nó được đánh giá là rất an toàn, đặc biệt càng được khuyến khích sử dụng cho các đối tượng là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thay cho sử dụng chất tẩy rửa khác.

- Độ cứng nội tại của baking soda có cùng độ lớn với độ cứng của ngà răng và nhỏ hơn độ cứng của men răng. Vì vậy, baking soda càng thích hợp để sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao bị mòn răng. Bởi H+ sẽ ưu tiên kết hợp với HCO3- của baking soda thay vì các ion âm khác trong men răng.

2. Viêm miệng có liên quan đến vệ sinh răng giả kém và nhiễm nấm candida. Dung dịch natri bicacbonat (NaHCO3) 5% đã được chứng minh là hiệu quả trong việc kiểm soát sự bám dính của nấm Candida albicans .

3. Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu của NaHCO3 (baking soda) chống lại các tác nhân gây bệnh nha chu chính là 2,5% -5%.

4. Một nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm về đặc tính kháng khuẩn của baking soda cho thấy nó có khả năng diệt khuẩn ở nồng độ thấp từ 75 micro mol/ lít đến lớn hơn 10 milimolar/ lít đối với vi khuẩn gram âm có trong màng sinh học mảng bám răng như Actinobacillus, actinomycetem comitans, Haemophilus aphrophilus, Eikenella corrodens, và Capnocytophaga gingivalis.

Baking soda gây mài mòn men răng có như lời đồn? - 3
NaHCO3 ưu tiên sử dụng chống bệnh răng miệng ở trẻ em hiệu quả và an toàn.

Như vậy, để nói rằng lựa chọn một thành phần vừa giúp phòng chống nấm miệng, sâu răng, chống mòn men răng hay thậm chí chống hôi miệng và làm trắng răng cho đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì NaHCO3 là một lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.

Với mỗi chế phẩm được cấp phép sử dụng phù hợp với từng độ tuổi và mức độ bệnh không chỉ được nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu bào chế mà còn được thẩm định và đánh giá lại tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền chuyên sâu để được để đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc lựa chọn và sử dụng các chế phẩm chứa NaHCO3 cần chú ý một số điểm sau:

- Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

- Được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như: Bộ y tế, đạt các tiêu chuẩn về sản xuất an toàn…

- Thực hiện sử dụng đúng liều lượng, tần suất sử dụng theo khuyến cáo ghi trên bao bì… Tránh lạm dụng gây nên quá liều, ảnh hưởng không tốt.

Bất cứ sản phẩm nào cũng gây ra tác dụng có hại nếu dùng quá liều, cũng giống như chúng ta ăn quá nhiều cơm hay uống quá nhiều nước. Vì vậy, các sản phẩm chứa NaHCO3 là rất tốt cho vệ sinh răng miệng cho trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng theo hướng dẫn và lựa chọn sản phẩm uy tín. Hãy là người tiêu dùng thông thái trước những thông tin đa chiều trong thế giới hiện nay.

Theo tài liệu khoa học:

Tạp chí Nhi khoa Châu Âu : https://europepmc.org/article/MED/21228955