1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bài toán quá tải bệnh viện đã có lời giải?

(Dân trí) - “Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến TƯ phải được giải quyết triệt để. Một mặt cần mở rộng quy mô giường bệnh, khuyến khích các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đến khâu đào tạo cán bộ”.

Đó là phát biểu của Tân bộ trưởng Bộ Y tế, TS Nguyễn Quốc Triệu (ảnh) sau một số khảo sát thực tế tại các bệnh viện tuyến TƯ.

 

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Tân Bộ trưởng với báo giới xung quanh vấn đề này:

 

Thưa Bộ trưởng, qua đợt khảo sát thực tế vừa qua, ông có nhận định gì về tình hình quá tải ở các bệnh viện tuyến TƯ?

 

Hiện nay, tình hình quá tải đều xảy ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến TƯ. Riêng tại, Hà Nội các bệnh viện thường có tỷ lệ quá tải 25 - 30%. Cứ trung bình 100 bệnh nhân điều trị thì có 48 bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 18 bệnh nhân đúng tuyến điều trị. Như vậy, có đến 50% bệnh nhân điều trị tại Hà Nội có thể điều trị ở tuyến dưới.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là gì thưa ông?

 

Tình trạng vượt tuyến phổ biến hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có yêu tố trình độ chuyên môn của các bác sỹ tuyến dưới chưa thực sự tốt, gây tâm lý không yên tâm cho người bệnh. Ngoài ra, sự thiếu đầu tư về trang thiết bị y tế hiện đại cũng là một lý do khiến nhiều người “quyết” vượt tuyến. Có một thực tế ngược là trước đây, trung bình mỗi bệnh nhân điều trị 6,2 ngày, thì nay số ngày điều trị đã tăng lên 8,2/ngày/người.

 

Như vậy, để khắc phục tình trạng quá tải tuyến trên, cần phải đầu tư cho các bệnh viện tuyến dưới thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại để người dân có thể yên tâm khám chữa bệnh đúng tuyến?

 

Không chỉ về trang thiết bị y tế. Tôi  biết, đã có một bệnh viện ở tuyến huyện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất nhưng cũng không thể mở cửa khám chữa bệnh được. Nguyên nhân là… chưa tìm được bác sĩ. Có thể nói, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, chúng ta cần tập chung phát triển đội ngũ cán bộ y tế. Tình trạng thiếu bác sĩ,  đặc biệt là bác sĩ Nhi khoa ở các tuyến dưới hiện nay là khá phổ biến.

 

Nhưng thưa Bộ trưởng, ngay cả các bệnh viện tuyến TƯ tình trạng thiếu bác sĩ cũng đang xảy ra. Liệu có phải ngành Giáo dục đã đào tạo được quá ít sinh viên Y khoa?

 

Quả thực, khi biết thông tin 117 sinh viên thi vào Đại học Y Hà Nội trượt khi đạt đến 27 điểm, tôi thấy thật tiếc. Trong khi khi đó, sinh viên Nhi khoa đang rất thiếu. Như vậy, sinh viên Y khoa đang thiếu chỗ chứ không phải thiếu chữ. Tôi đã nói chuyện với một số lãnh đạo của trường Y và gợi ý với nhà trường nên xin thêm một số chỉ tiêu rồi kêu gọi các em đi xa hoặc học ngành Nhi. Nếu cần thiết, các trường Y lấy điểm thấp hơn hiện tại để có thêm nhiều bác sĩ trong tương lai bổ sung cho đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu ở các tuyến dưới.

 

Trong khi chờ đợi sự bổ sung nhân lực của thế hệ bác sĩ trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, Bộ Y tế có biện pháp cụ thể nào nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở các tuyến TƯ?

 

Bộ sẽ khuyến khích sự phát triển của hệ thống bệnh viện dân lập dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi từ hai phía nhà đầu tư và nhân dân. Đối với hệ thống bệnh viện công lập, Bộ Y tế cũng sẽ thúc đẩy thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, đồng thời xin thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ phía nhà nước chứ không thể trông chờ vào nguồn viện phí thu được, bởi nguồn phí này cần phải dùng để tái đầu tư cho bệnh viện.

 

Thời gian tới, một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết TƯ… sẽ được hoặc xây mới, hoặc cải tạo mở rộng và tăng thêm số giường bệnh. Bên cạnh đó,  cần phải chú trọng đạo tạo cho các bệnh viện tuyến dưới về nhân lực có trình độ cao. Dự kiến trong 2-3 năm tới, tình trạng quả tải ở hệ thống bệnh viện tuyến trên như hiện nay sẽ được giải quyết một cách cơ bản.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

P Thanh (ghi)