Bài tập cho người mắc bệnh tim

(Dân trí) - Khởi đầu các bài tập đối kháng từ từ, bắt đầu bằng tạ nhẹ với số động tác lặp lại ít và tăng dần lên mức tạ nặng hơn với số lần lặp lại nhiều hơn, đó là những bí quyết tập luyện dành cho bệnh nhân tim.

Cách tập luyện tốt nhất cho tim là cách có tác dụng làm cho tim khoẻ mạnh hơn. Đó là những bài tập kiểu có nhịp điệu, như đi bộ, bơi và chạy, và bệnh nhân tim không nên né tránh những hoạt động này chỉ vì nỗi e sợ sai lầm rằng chúng có thể làm cho bệnh nặng thêm.

 

Bài tập cho người mắc bệnh tim

 

Mặc dù tập đối kháng và kéo giãn đơn thuần không tỏ ra có tác dụng cải thiện tim theo cách của những bài tập aerobic, song chúng là sự bổ sung rất quan trọng cho các bài tập tim mạch và không nên bỏ qua, đó là ý kiến của PGS Tong Khim Leng, Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore, và cũng là trưởng khoa tim mạch ccủa Bệnh viện đa khoa Changi (CGH).

Kết hợp với nhau, chúng đảm bảo sự phát triển cân đối của năng lực thể chất và chức năng. Nếu được thực hiện tốt, chúng cũng có thể làm tăng khả năng tim mạch của bệnh nhân, giúp người bệnh khỏe mạnh và sung sức hơn.

 

Do đó, bệnh viện Cleveland Clinic ở Mỹ khuyên rằng một chương trình luyện tập luân phiên tốt dành cho bệnh nhân tim cần bao gồm tập aerobic, kéo giãn và tập sức mạnh.

 

Nhưng bệnh nhân tim luôn cần tư vấn bác sĩ trước khi bắt đầu các bài tập đối kháng hoặc sức mạnh, GS Tong cảnh báo. Những bệnh nhân bị cao huyết áp chưa kiểm soát được, suy tim mất bù (triệu chứng suy tim nặng lên cần điều trị hoặc nhập viện cấp cứu), hoặc bị những bệnh tim rất nặng như hở van tim thì không nên tự ý tập đối kháng.

 

Những bệnh nhân mới mổ bắc cầu động mạch (tạo động mạch mới vượt qua chỗ tắc) nên đợi 5 đến 8 tuần trước khi bắt đầu tập để vết mổ ở xương ức kịp liền.

 

Ngay cả sau khi vết mổ đã liên, thì cũng chỉ nên dùng tạ từ 500g đến 2kg mỗi bên trong 5 đến 8 tuần tiếp theo.

 

"Hãy ngừng ngay nếu có cảm giác căng tức hoặc đau, hoặc khi có tiếng răng rắc hoặc lạo xạo cho thấy xương ức không vững," GS Tong nói.

 

Những người vừa mới nong mạch máu bằng bóng hoặc đặt stent có thể bắt đầu tập đối kháng 4 tuần sau mổ vì xương ức không bị ảnh hưởng.

 

Hướng dẫn tập

 

Khởi đầu các bài tập đối kháng từ từ, bắt đầu bằng tạ nhẹ với số động tác lặp lại ít và tăng dần lên mức tạ nặng hơn với số lần lặp lại nhiều hơn.

 

Nếu bạn đang nghỉ ở nhà và không có sẵn tạ, có thể dùng chai nhựa đựng đầy nước để thay thế.

Đầu tiên hãy tậo chân, vai và cánh tay trước khi tập bụng trong một buổi riêng. Mục đích là tập đối kháng 2 hoặc 3 lần mỗi tuần xen kẽ với những ngày nghỉ. Mỗi nhóm động tác lặp lại 10 – 15 lần, thực hiện 2 -3 lượt, nghỉ 2 -3 phút trước khi chuyển sang nhóm động tác khác.

 

Thời gian tập lâu hơn không nhất thiết sẽ hiệu quả hơn, vì mục đích là để cơ mỏi nhưng không mệt, GS Tong nói. Trên thực tế những buổi tập kéo dài có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.

 

Trong khi tập, không được nhịn thở mà phải duy trì nhịp thở đều đặn, thở ra khi gắng sức và hít vào khi thư giãn.

 

Thực hiện các động tác từ tốn và thận trọng, có kiểm soát, tránh nắm tạ quá chặt có thể làm tăng áp lực máu.

 

Ngừng tập nếu bạn thấy bị khó thở, chóng mặt, hoa mặt, đánh trống ngực và tức hoặc đau ngực khi nghỉ ngơi, cần hỏi ý kiến bác sĩ.

 

Các bài tập kéo giãn cũng phù hợp cho bệnh nhân tim, nhưng tránh giơ tay quá lâu và kéo giãn ngực nếu mới phẫu thuật tim mở (dưới 5 – 8 tuần). Kéo giãn cũng rất tốt khi khởi động và khi kết thúc buổi tập.

 

Bà Loke Shi Jia, chuyên gia vật lý trị liệu cao cấp trong chương tình phục hồi chức năng tim mạch tại CGH nói: "Kéo giãn tay và chân trước và sau khi tập giúp khởi động cơ bắp và phòng ngừa chấn thương." Kéo giãn thường xuyên cũng làm tăng tầm vận động, độ mềm dẻo và chức năng của cơ.

 

Cẩm Tú

Theo asiaone