Bài học sau những ca "tụt lưỡi" kinh hoàng từ siêu sao bóng đá
Tình huống kinh hoàng khi cầu thủ Torres bị tụt lưỡi sau cú va chạm không phải lần đầu tiên xảy ra trong thể thao. Nếu sơ cứu chậm sẽ nguy hiểm tính mạng.
Tình huống dễ xảy ra trong thể thao
Người hâm mộ bóng đá thế giới vừa chứng kiến tai nạn nghề nghiệp xảy ra với danh thủ Fernando Torres của đội bóng Atletico Madrid (Tây Ban Nha).
Phút thứ 85 của trận đấu giữa Depotivo - Atletico Madrid, cầu thủ người Tây Ban Nha đã bị ngã đập đầu, bất tỉnh nhân sự sau một pha tranh bóng với tiền vệ đội chủ nhà.
Rất nhanh chóng, cầu thủ đội Atletico là Gabi đã có một hành động được nhiều người khen là kịp thời. Anh lập tức chạy đến, cạy miệng Torres để kéo lưỡi ra vì lo sợ anh tự “nuốt lưỡi”, trước khi các bác sĩ chuyển anh lên cáng và đưa vào bệnh viện.
Cách đây không lâu, trong trận đấu giữa hai đội Bờ Biển Ngà và Mali ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Phi, tiền vệ Moussa Doumbia của Mali bị bất tỉnh sau một pha va chạm cực nặng. Serge Aurier của đội đối thủ nhận thấy Doumbia có dấu hiệu tụt lưỡi. Hậu vệ người Bờ Biển Ngà đã ra tay kịp thời, kéo lại phần lưỡi cho người đồng nghiệp. Hành động này của Aurier sau đó được HLV Alain Giresse ca ngợi là đã cứu sống Doumbia.
Mới đây, ngày 25/2, trong trận đấu tại giải bóng đá của Cộng hòa Czech giữa CLB Bohemians 1905 và Slovacko, thủ môn Martin Berkovec của Bohemians 1905 va chạm cực mạnh với hậu vệ đội nhà là Daniel Krch khi trận đấu diễn ra được chừng 30 phút.
Cú va chạm khiến thủ môn Berkovec đổ gục xuống sân. Ngay lúc đó, cầu thủ Francis Kone của Slovacko đã chạy đến kiểm tra tình trạng sức khỏe của Berkovec. Phát hiện thấy Berkovec bị tụt lưỡi, Kone đã nhanh tay kéo lưỡi ra và cứu sống kịp thời tính mạng của thủ môn 28 tuổi.
Điều bất ngờ là cầu thủ mới 26 tuổi Francis Kone đã có kinh nghiệm 4 lần "sơ cứu kéo lưỡi" tương tự trong sự nghiệp của mình để ngăn chặn thảm họa trên sân cỏ.
Chia sẻ về tình huống cấp cứu này, BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các tình huống này trong y khoa được gọi tụt lưỡi. Khi nạn nhân hôn mê và nằm ngửa thì lưỡi sẽ bị tụt xuống họng gây cản trở hô hấp.
Việc tụt lưỡi có thể xuất hiện trong trường hợp bệnh nhân bị phù nề sàn miệng (hay gặp trong vết thương sàn miệng) hoặc gãy cành ngang hai bên, hoặc vỡ nát vùng cằm và cành ngang.
Sơ cứu thế nào?
Trong tình huống của Torres, theo BS Chính, động tác sơ cứu của Gabi cho Torres là một hành động đáng khen ngợi, một minh chứng cho thấy hành động đúng thì nạn nhân sẽ có cơ hội sống sót cao hơn, hạn chế được nhiều các di chứng hơn. Tất nhiên, từ góc độ y khoa, cách sơ cứu của Gabi chưa hẳn là “hoàn hảo” - không phải dùng tay banh miệng và kéo lưỡi.
BS Chính lưu ý trong bất cứ trường hợp cấp cứu nào (tình trạng bất tỉnh hoặc co giật do chấn thương sau ngã cao), trong khi chờ đợi y tế tới, cần tuân thủ nguyên tắc cấp cứu cơ bản theo các bước A (Airway control) – B (Breathing support) –C (Circulating support).
1. Airway control - kiểm soát đường thở: Tức là phải làm sao đường thở được thông thoáng:
- Nằm nghiêng an toàn nếu nạn nhân hôn mê nhằm tránh sặc vào phổi khi nôn. Khi bệnh nhân có cơn co giật, cố gắng lật nghiêng nạn nhân chứ không được dùng que ngáng miệng hoặc nhét bất cứ thứ gì vào miệng họ.
- Lấy hết dị vật trong miệng ra, kể cả răng giả. Nếu có dị vật đường thở thì có thể làm các nghiệm pháp vỗ lưng, ấn ngực, Heimlich...
- Đường thở phải ở tư thế thẳng (đầu phải ngửa) nếu có thể. Cố định cột sống cổ nếu nghi ngờ có tổn thương.
- Đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở hoặc mở khí quản nếu cần.
2. Breathing support - hỗ trợ hô hấp: Cần phải cho thở oxy, thổi ngạt, bóp bóng có oxy qua mặt nạ, thông khí nhân tạo...
3. Circulating support - hỗ trợ tuần hoàn: Cầm máu cho bạn nhân, bồi phụ dịch...
Theo T.Nguyên
Gia đình & Xã hội