1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần Thơ:

Bác sĩ trắng đêm cùng bệnh nhân cấp cứu

(Dân trí) - Đêm càng về khuya, tiếng còi xe cấp cứu càng vang vọng, cánh cửa của khoa cấp cứu luôn mở toang. Bên trong, những tiếng kêu la, tiếng của máy đo nhịp tim, máy thở…cứ đều đặn vang lên trong khi các y, bác sĩ cứ “căng mình” tìm mọi cách giành lại sự sống, sức khỏe cho bệnh nhân.

Căng như dây đàn

21h đêm 24/2, một xe cấp cứu hú còi vang mang biển số tỉnh Bạc Liêu có mặt tại cổng Khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển xuống giường bệnh để lấy thông tin, đây là bệnh nhân thứ 60 trong ngày.

Bác sĩ Phan Thanh Nho đang khám bệnh cho bệnh nhân cấp cứu
Bác sĩ Phan Thanh Nho đang khám bệnh cho bệnh nhân cấp cứu

Sau vài giây lấy thông tin cá nhân, bệnh nhân được đẩy vào phòng cấp cứu. bBác sĩ Phan Thanh Nho- Trưởng tua trực ,cùng với bác sĩ Trần Đức Liệt mang nhanh đôi găng tay rồi di chuyển đến giường bệnh. Mọi công việc sơ cấp cứu được tiến hành khẩn cấp nhưng cẩn thận. Cạnh bên, một nhóm sinh viên thực tập chăm chú theo dõi người thầy của mình làm việc.

10 phút sau, một phụ nữ trung niên, mang trên mình bộ quần áo đã phai màu, dính đầy bùn đất được chuyển vào phòng cấp cứu với chiếc nẹp gỗ ở chân. Đi cùng là một người đàn ông với vẻ mặt hết sức lo lắng, tiến đến bên bác sĩ Nho và nói: “Bác sĩ ơi, chị ấy ở bên Vĩnh Long bán vé số, rồi băng qua đường bị xe tôi đụng phải. Mong bác sĩ giúp đỡ chị ấy”. Hiểu được sự lo lắng của người đàn ông, bác sĩ Nho trấn an: “Anh yên tâm, chúng tôi sẽ làm hết mình vì bệnh nhân”.

Các y, bác sĩ đang cố định lại chỗ gãy cho bệnh nhân vừa được chuyển từ Vĩnh Long qua
Các y, bác sĩ đang cố định lại chỗ gãy cho bệnh nhân vừa được chuyển từ Vĩnh Long qua

Sau đó, bác sĩ Nho cùng 2 điều dưỡng tiến hành kiểm tra vết thương, cố định chỗ gãy lại. Quay về bàn trực, bác sĩ Nho ký y lệnh cho bệnh nhân chụp X - Quang.

Phía cuối phòng cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Hữu Tài cùng nhóm sinh viên thực tập tiến hành thăm khám lại các ca bệnh. Đưa tay véo vào tay một bệnh nhân, người này kêu đau khá to, bác sĩ Tài cười tươi và giải thích với nhà báo: “Bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật mà vẫn còn kêu la, rên rỉ, có cảm giác thì đó được xem là dấu hiệu tốt, còn trường hợp hôn mê sâu thì rất khó tiên lượng và bác sĩ cũng không thể cười nổi”.

Bác sĩ Phan Thanh Nho cho biết: “do Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ là bệnh viện tuyến trên của cả khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên một ca trực đêm từ 15h đến 7h sáng ngày hôm sau tại Khoa cấp cứu phải đón nhận từ 60 - 70 trường hợp bệnh, con số này tăng lên khá nhiều vào các ngày cuối tuần hoặc lễ, tết”.

Cấp cứu đêm ở BV ĐKTƯ Cần Thơ

Tôi hỏi tiếp bác sĩ, thế những lúc bệnh nhân đông anh có mệt không? Bác sĩ nói: “Bệnh nhân cấp cứu đa số là bệnh nặng, có những người chỉ trễ năm, ba phút là điều xấu có thể xảy ra. Tôi trực cấp cứu nhiều năm rồi, tôi biết bệnh nhân đang cần mình, người thân của họ đang lo lắng nên những lúc như thế dường như quên hết mệt mỏi”, Bác sĩ Nho tâm sự.

Theo quan sát của phóng viên, trong ca trực cấp cứu đêm, không chỉ có bác sĩ chính, hầu hết các điều dưỡng hộ lý làm việc đều bận bịu với công việc của mình nên có lẽ thời gian để nghĩ đến chuyện cực nhọc hay ngủ đều rất hiếm.

Bác sĩ ơi…

Cuộc trò chuyện với chúng tôi bị ngắt quảng vì có người lại gọi “bác sĩ ơi…” một bệnh nhân bị chấn thương sọ não được chuyển vào. Người bệnh liên tục kêu đau và nôn ói. Tức tốc bác sĩ Nho cùng với hai điều dưỡng đến giường bệnh để kiểm tra.

Một bệnh nhân chấn thương sọ não đang được chuyển vào khoa cấp cứu của bệnh viện
Một bệnh nhân chấn thương sọ não đang được chuyển vào khoa cấp cứu của bệnh viện

Quay trở lại bàn làm việc, lập tức bác sĩ cho gọi người nhà bệnh nhân đến và hướng dẫn làm thủ tục cho người bệnh chụp phim. Vừa viết hồ sơ bệnh án, bác sĩ Nho vừa nói: “Ở Khoa này, mọi việc được tiến hành cấp tốc nhưng các chẩn đoán phải chuẩn xác, tuyệt đối tránh những trường hợp sai lầm. Có trường hợp bệnh nhân rất nguy kịch nhưng chỉ có một mình, người nhà chưa đến kịp, các bác sĩ phải tổ chức hội chẩn ngay tại giường bệnh và tiến hành cấp cứu, để tránh điều đáng tiếc xảy ra”.

Các ca cấp cứu từ các tỉnh khác liên tục được chuyển đến bệnh viện Trung ương Cần Thơ
Các ca cấp cứu từ các tỉnh khác liên tục được chuyển đến bệnh viện Trung ương Cần Thơ

Đến 23h30, Khoa cấp cứu đã nhận tổng cộng 90 ca bệnh. Trong đó, có 25 trường hợp nhận từ ca trực trước và 65 ca mới. Các y, bác sĩ vẫn đang trong tư thế khẩn trương, những tiếng kêu bác sĩ ơi trong phòng cấp cứu vẫn không ngưng nghĩ. Người kêu nhức đầu, người đau chân, người đau bụng, người cảm thấy khó thở…

Không khí khẩn trương, căng thẳng ở khoa cấp cứu bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ
Không khí khẩn trương, căng thẳng ở khoa cấp cứu bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ

1h30 sáng, một thanh niên bê bết máu, miệng luôn la hét đau đớn, được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang lên do tai nạn giao thông. Sau khi kiểm tra tình hình bệnh nhân, rồi cẩn thận xem lại phim chụp vết gãy là một cuộc hội chẩn ngắn được tiến hành giữa các bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân. Sau đó, biện pháp được đưa ra là mổ cấp cứu và xếp lại xương.

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Trần Đức Liệt cho biết: có những bệnh nhân bị tai nạn giao thông do say xỉn rất khó tiếp xúc. Có bệnh nhân bị chấn thương, máu me be bét, nhưng băng bó lên thì lại giật ra. Tiêm chích không được. Có người đang lấy máu xét nghiệm thì đột nhiên vùng dậy. Cũng có trường hợp hợp bị nhẹ, bác sĩ đã xử trí chu đáo. Tuy nhiên, người nhà thì sốt ruột, mất bình tĩnh, quay qua đổ lỗi bác sĩ không quan tâm…

“Đặc thù của Khoa cấp cứu là phải hết sức bình tĩnh để xử lý tình huống. Ngoài những vấn đề về chuyên môn vì phải đối mặt với nhiều loại bệnh, điều mà chúng tôi lo nhất chính là áp lực từ phía người nhà bệnh nhân”, bác sĩ Liệt nói.

Theo quan sát của phóng viên, các giường bệnh ở khoa cấp cứu luôn trong tình trạng chật kín vì thế các xe đẩy chuyên dụng được dùng làm giường bệnh “dã chiến” ngay tại chỗ.

Bác sĩ Phan Thanh Nho nói, khi bệnh nhân còn đau đớn, nguy kịch thì làm sao mình cho phép nghĩ ngơi được.
Bác sĩ Phan Thanh Nho nói, "khi bệnh nhân còn đau đớn, nguy kịch thì làm sao mình cho phép nghĩ ngơi được".

3h sáng, tình hình bệnh nhân nhập viện có phần giảm, tuy nhiên vẫn còn hàng chục ca bệnh nặng được theo dõi tại phòng cấp cứu. Gương mặt sĩ, điều dưỡng nào cũng có phần phờ phạc, đôi mắt thâm quầng nhưng không ai than phiền. Đưa mắt nhìn xung quanh phòng cấp cứu, thấy có phần ổn định, bác sĩ Nho nói: “công việc của chúng tôi là vậy, khi bệnh nhân còn đau đớn, nguy kịch thì làm sao mình cho phép nghỉ ngơi được”.

Có tận mắt chứng kiến công việc hàng đêm của những y, bác sỹ tại bệnh viện mới thấy hết được sự vất vả, những hy sinh của nghề y. Họ là những con người, những cuộc đời thầm lặng cống hiến với nghĩa tình cao đẹp luôn hết lòng vì người bệnh.

Phạm Tâm – Nguyễn Trần