Bác sĩ tham gia quảng cáo: Lắm chiêu, nhiều trò!

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây các công ty kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… đã quay trở lại tăng cường khai thác hình ảnh người thầy thuốc.

 

Bác sĩ tham gia quảng cáo: Lắm chiêu, nhiều trò!


 

Không tin bác sĩ thì tin ai?

 

Đó là suy nghĩ của nhiều độc giả, khán thính giả, đồng thời là “nạn nhân” của những bài viết, những chương trình có sự “tư vấn” của bác sĩ (BS). Hiện trên nhiều đài truyền hình đang nở rộ các chương trình tư vấn sức khỏe.

 

Tuy nhiên, thông tin quảng cáo thường được lồng vào một cách khéo léo. Cụ thể, vừa qua, chương trình giao lưu trực tuyến về suy giảm tình dục ở lứa tuổi trung niên của một đài truyền hình đã “hân hạnh” mời được một vị giáo sư - giảng viên cao cấp chuyên ngành tiết niệu và nam học và một nữ BS về tình dục học đến giao lưu với khán giả.

 

Dĩ nhiên, họ, hai vị khách mời đặc biệt này đã không quên nhắc đến một loại sâm giúp giải quyết vấn đề sinh lý cho cả nam và nữ giới. Ở một chương trình khác, một vị BS hoạt động lâu năm trong ngành sản phụ khoa cứ nhắc đi nhắc lại loại thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ các hoạt động chăn gối, cải thiện khô rát âm đạo…

 

Tin lời BS, mua thuốc theo quảng cáo có khi bị tác dụng ngược, nhưng những nạn nhân trên chỉ biết trách mình nhẹ dạ. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại của khách hàng, chỉ biết rằng, BS làm quảng cáo dưới nhiều hình thức ngày càng nhiều.

 

Thực tế, một chiến dịch quảng cáo muốn chinh phục người tiêu dùng thì phải tốn từ vài trăm triệu đến bạc tỷ! Trong khi đó, chỉ cần vài bài viết, một số buổi họp mặt bàn tròn nói về sản phẩm, cũng đã đủ sức thuyết phục người tiêu dùng móc hầu bao. Những thầy thuốc được mời làm quảng cáo đều thấy vinh hạnh vì được “tiếng” lẫn “tiền”.

 

Nhân viên của một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện cho biết, để “bảo mật thông tin”, thậm chí phần thù lao cho BS, đơn vị tổ chức hoạt động PR không được “nhúng” vào mà do các hãng tự thương lượng, có khi lên đến 2.000 USD cho một lần xuất hiện. Có lẽ vì “có giá” nên các BS từ răng hàm mặt, da liễu đến sản phụ khoa, dinh dưỡng… “đua nở” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Trong Thông tư 13/BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm “lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc”.

 

Thế nhưng, một số thầy thuốc nghỉ hưu hoặc không làm việc ở cơ quan nhà nước… vẫn vô tư “tung hình” của mình bên cạnh sản phẩm quảng cáo. Các công ty, sau khi “vấp” phải “tiếng còi” của Bộ Y tế đã có nhiều chiêu để lách luật như tổ chức bàn tròn trong các chương trình tư vấn tiêu dùng với bộ ba không thể tách rời bao gồm: BS, người dẫn chương trình, người tiêu dùng. Nếu sản phẩm dành cho tuổi mãn kinh, sản phụ khoa thì đối tượng là những BS đã về hưu, có kinh nghiệm.

 

Để thuyết phục người tiêu dùng, các BS còn nhờ “trợ thủ” son, phấn để cho đẹp và trẻ ra khi nói về một loại thực phẩm chức năng có công dụng làm trẻ lại. Có bài viết, cả “bộ sậu” BS của một bệnh viện chuyên khoa cấp trung ương đồng loạt xuất hiện trong hình ảnh áo blouse. Tiếng là quảng bá cho một chương trình có tính cộng đồng, đại khái là về một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh, nhưng thực chất là quảng cáo cho một loại kem đánh răng. Có nhà sản xuất, trước khi tung ra thị trường sản phẩm sữa bột có chất DHA, đã không ngần ngại mời một vị tiến sĩ của một viện dinh dưỡng uy tín để nói chuyện chuyên đề về công dụng của DHA trên đài.

 

Ngoài “hiện hình” khéo léo ở các sản phẩm, gần đây, xu hướng BS viết bài quảng cáo ngày càng tinh vi, khéo léo, khiến không ít lần “hàng rào” biên tập bị “thủng lưới”. Biên tập viên của một tờ báo uy tín than thở: “Cả bài viết của BS thuần túy chuyên môn, nhưng chỉ có đúng một chữ là tên hoạt chất của sản phẩm được giới thiệu dưới dạng “phát minh mới”. Yên tâm, báo cho đăng, nhưng hai ngày sau, đọc một trang quảng cáo sản phẩm, mới biết đó là chiêu bài PR đi trước, tạo thắc mắc cho người tiêu dùng, sau đó là trang quảng cáo sản phẩm chỉ rõ tên thương mại, nơi bán...

 

Xử lý ra sao?

 

Thông tư 13 của Bộ Y tế đã nêu rõ như thế, ngoài ra, dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo.

 

Hành lang pháp lý đã rõ ràng như dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TPHCM đã khẳng định: “Các trường hợp quảng cáo có hình ảnh BS đều bị xử lý”. Hoặc như ông Đỗ Văn Đông, Trưởng phòng Quảng cáo - Cục Quản lý dược VN, cho biết: “Các loại thuốc nếu muốn quảng cáo đều phải đăng ký, không đăng ký là vi phạm pháp luật.

 

Còn về các BS xuất hiện ở các chương trình quảng cáo thì Bộ Y tế cũng không cho phép. Trường hợp các BS đã về hưu không thuộc cơ quan nào quản lý thì công ty hoặc cơ quan tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm…”. Nói là nói vậy, nhưng thực tế, chẳng BS nào dại dột tham gia quảng cáo công khai theo kiểu “cầm sản phẩm, nhoẻn miệng cười”.

 

Thay vào đó, hầu hết họ chỉ xuất hiện để nói chuyện theo chuyên đề nên các cơ quan chức năng biết là quảng cáo nhưng cũng không thể nào “sờ gáy”. Dường như cơ quan chủ quản cũng “bó tay” với những trường hợp quảng cáo “ngầm”, chỉ trông chờ vào tính tự giác của mỗi người. Còn nếu có xử thì, theo BS Phạm Kim Bình, Thanh tra Sở Y tế TPHCM, với thầy thuốc quảng cáo cho thực phẩm chức năng cũng chỉ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu không có giấy phép hoặc quảng cáo quá nội dung cho phép. Số tiền phạt quá nhẹ so với sai phạm.

 

Viện sĩ - TS Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho rằng: “Các nước tiên tiến có “nghĩa vụ luận”, trong đó nói về y đức, phong cách người thầy thuốc, quan hệ bệnh nhân… Từ nền tảng “nghĩa vụ luận” để hình thành nên “nghĩa vụ luật”, quy định những điều thầy thuốc được làm và không được làm. Quản lý các thầy thuốc hành nghề đúng phạm trù y đức là BS đoàn (gồm những người trong nghề với nhau, do các BS bầu ra). BS đoàn sẽ thi hành “nghĩa vụ luật” một cách khách quan, trung thực. Việc hành nghề của các BS sẽ được bảo vệ nếu đúng và phạt theo luật định nếu sai”. Như vậy, các nước tiên tiến cũng không chờ đợi thầy thuốc tự giác “nói không với quảng cáo”. Họ thiết lập tổ chức có cơ chế tự giám sát lẫn nhau, chứ không hoàn toàn trông chờ vào cơ quan quản lý. Ngành y Việt Nam cũng nên xây dựng “nghĩa vụ luận”?

 

Theo Phụ nữ TPHCM