Bác sĩ sản khoa có giàu không?
Tôi đoán chắc một điều rằng 90% bác sĩ khoa sản không hề nghĩ đến, sống được và giàu lên nhờ phong bì đâu bạn nhé. Chỉ có những trải nghiệm đã qua thì mình mới hiểu cái phong bì từ đâu đến, đến với ai, và ai phải chịu những nỗi oan uổng của tiếng đời.
Bạn đồng nghiệp mỗi khi gặp đều cứ bảo rằng anh làm bác sĩ khoa sản thì giàu! Chỉ có gia đình mình mới hiểu thôi!
Làm khoa sản công việc thật nặng nề và nguy hiểm. Thời sinh viên bao người không dám/không thích làm nghề sản vì sợ máu me, sợ cái xui rủi do máu của người phụ nữ.
Chưa kể một thời mà ngay trong trường Y có câu truyền miệng: "Thông minh đi Nhi, ngu si mới đi Sản". Hậu quả là nhiều thế hệ bác sĩ sản khoa thiếu vắng hẳn đi những nhân tài, không như các ngành nội ngoại nhi,... Mình cũng vì thế mà khi mới tốt nghiệp y khoa cứ chăm chắm xin vào khoa Nhi. Khi bị ép uổng vào nghề sản mình mất vài năm đau đớn. Rồi thì cũng quen với công việc, có những mối thiên duyên và cảm xúc thật đặc biệt để rồi dính luôn với cái nghề này.
Bác sĩ sản khoa có giàu không? Rất có thể, vì càng ngày, xã hội càng phát triển, sự chăm sóc và đầu tư cho thế hệ tương lai của mỗi gia đình nhiều hơn. Bác sĩ sản có thể kiếm tiền từ phòng mạch tại gia! Có những gia đình ghi nhận công lao của bác sĩ nên sinh ra cái phong bì.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Vấn đề là cái phong bì dày hay mỏng, được đưa ra và nhận vào với một thái độ như thế nào là một chuyện lớn. Cái phong bì đó được đưa ra ở nơi chốn nào, đưa vào thời điểm nào của cuộc sinh nở để rồi từ đó sinh ra bao nỗi oái ăm.
Gặp người quen nói vào khoa sản là phải có phong bì! Mình lúc đầu cứ cãi lại nhưng sau thì dần dần mới hiểu ra. Và chắc chắn một điều rằng bác sĩ khoa sản không ai bao giờ dại mà đòi hỏi phong bì cả! Vì nhiều lý do. Thứ nhất, ai còn sĩ diện thì không bao giờ. Thứ hai, nếu có nhận phong bì trước khi làm việc thì không ai dám, vì cuộc sinh nở là cận kề sinh tử, ai có biết cái kết thúc có hậu hay không mà dám nhận phong bì. Thứ 3, sau khi sinh nở xong, ai lại đi đòi phong bì! Kỳ chết! Thế là những ai có lòng thì cũng tìm cách để cảm ơn cái công của ông/bà bác sĩ.
Cái cách cảm ơn cũng có nhiều cái ngộ! Năm đầu tiên làm nghề, mình được một anh chồng mời uống nước, vì không biết uống bia nên mình đã uống no hai chai nước khoáng để chia sẻ niềm vui với gia đình, không thì sợ người ta nghĩ mình chê họ nghèo. Có người thì đưa vợ vào sinh, thập thò cái phong bì bí ẩn trong túi để tỏ ra rằng em đã chuẩn bị sẵn cho bác sĩ rồi đấy! Quá ngán cho những nhân vật này. Có người thì đưa phong bì cho sản phụ cầm sẵn theo lên phòng mổ để gửi cho bác sĩ. Tuy nhiên vì khi vào mổ thì chỉ được mặc mỗi cái áo khoác của phòng mổ nên việc dấu và đưa phong bì rất khó khăn. Thiệt là tội cho người mẹ. Lo đủ thứ, trước khi được mổ cũng phải lo cái phong bì để mong được chăm sóc tốt hơn.
Cái phong bì có khi bị lạm dụng bởi một số người trong nghề. cứ nói rằng đưa phong bì trước cho bác sĩ thì mới tốt đẹp, thế là người nhà cứ phải sắp sẵn một số cái phong bì, đưa trước cho “cò”. Và thế là “cò” chắp cánh bay cùng với phong bì phấp phới, để lại tiếng đời cho chàng bác sĩ sản khoa chịu trận. Để cho đến khi ca sinh đó bị tai biến, thì người nhà mới la lên rằng tôi đã đưa phong bì rồi mà bác sĩ chẳng lo chi hết. Thiệt là oan ức lắm thay.
Tôi đoán chắc một điều rằng 90% bác sĩ khoa sản không hề nghĩ đến, sống được và giàu lên nhờ phong bì đâu bạn nhé. Chỉ có những trải nghiệm đã qua thì mình mới hiểu cái phong bì từ đâu đến, đến với ai, và ai là người phải chịu những nỗi oan uổng của tiếng đời.
Có phải cái cơ chế đã sinh và tạo ra những cái buồn lớn lao cho ngành y và ngành phụ sản không? Ở các BV tư thì chắc chắn không có chuyện này xảy ra! Ôi cái cơ chế sao mà quái ác thế nhỉ?.