Bác sĩ ở Gia Lai mong tất cả người dân được tiêm vắc xin
(Dân trí) - Trong 2 ngày, hơn 60 cán bộ, bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai sẽ được tiêm vắc xin Covid -19. Các quy trình tiêm vắc xin được quản lý, giám sát nghiêm ngặt.
Trong sáng 9/3, Sở Y tế Gia Lai đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1 tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai cho hơn 60 nhân viên y tế. Ngay từ sáng sớm, các nhân viên y tế có danh sách đã tập trung trước sảnh Bệnh viện Dã chiến để chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin. Tại buổi tiêm vắc xin có sự trợ giúp của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và đại diện Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai đã chuẩn bị quy trình 5 bước trong khâu tiêm vắc xin. Nhằm chuẩn bị cho những tình huống sau khi tiêm vắc xin, Bệnh viện đã bố trí 1 phòng cấp cứu đặc biệt với những máy móc hiện đại và một đội phản ứng cấp cứu để xử lý nhanh khi có trường hợp xảy ra.
1.900 liều vắc xin được cấp cho tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên tiêm cho lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch (theo Nghị quyết 21/NQ-CP), bao gồm: người làm việc tại các cơ sở y tế trực tiếp điều trị người bệnh Covid - 19 ở Bệnh viện Dã chiến; Khoa nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Khu cách ly điều trị Covid-19 của các Trung tâm y tế huyện, thị xã; Người làm việc tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; Người làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ và xét nghiệm Covid - 19.
Là người tiêm vắc xin đầu tiên, bác sĩ Phạm Thanh Hưng (Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai) cho biết: "Trước tiên, chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ đã cho lực lượng y tế được tiêm vắc xin. Sau khi tiêm, chúng tôi cũng sẽ yên tâm hơn để tập trung vào công tác khám chữa bệnh. Khi dịch bùng phát, chúng tôi cũng là lực lượng đầu tiên xung phong vào tuyến đầu để chống dịch".
"Là người đầu tiên tiêm vắc xin thì tôi cũng có tâm trạng bồi hồi, lo lắng. Tôi cũng là người làm ngành y tế nên hiểu rõ những phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, trước sự chuẩn bị chặt chẽ về mọi mặt của cơ quan chức năng trong việc tiêm vắc xin thì tôi cũng yên tâm. Tôi mong mỏi, tất cả người dân có thể sớm được tiêm vắc xin", bác sĩ Hưng chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến, dự kiến hôm nay và ngày mai tiêm hết cho 61 người, trong buổi sáng đã tiêm 22 người. Trước khi vào phòng tiêm, họ được đo thân nhiệt, tư vấn, đo huyết áp, khám sàng lọc. Sau 20 phút tiêm vắc xin, họ sẽ ngồi trong phòng để theo dõi tình trạng sức khỏe. Tại khu vực sau tiêm chúng tôi đã chuẩn bị các máy móc hiện đại để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.".
Mặc dù có những lo lắng hiện trên khuôn mặt của những cán bộ y tế nhưng ai cũng phấn khởi khi là những người đầu tiên của tỉnh Gia Lai được tiêm vắc xin. Buổi tiêm vắc xin được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, bệnh viện cũng thực hiện nghiêm việc giãn cách để tránh tiếp xúc gần ở khoảng cách 2m…
Thạc sĩ Đào Ngọc Quân, Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Dã chiến cho biết, sau khi tiêm thì sức sức khỏe của tôi vẫn bình thường. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn thận trọng thực hiện các quy định của Bộ Y tế. Có lợi thế là nhân viên y tế nên chúng tôi cũng hiểu rõ những thay đổi của bản thân để kịp thời báo cho nhóm tiêm vắc xin. Tôi cũng mong muốn tất cả người dân cũng được tiêm vắc xin Covid-19 để phòng chống dịch bệnh".
Bộ Y tế phân bổ cho Gia Lai 1.900 liều vaccine Covid-19, ưu tiên lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Trong đó Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai 1.800 liều, Bệnh viện Dã chiến tỉnh 100 liều.
Dịch Covid-19 tại Gia Lai được phát hiện đầu tiên ở thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa hôm 30/1, sau đó lan ra huyện Krông Pa, huyện Phú Thiện và TP Pleiku. Tất cả đều liên quan đến ổ dịch tỉnh Hải Dương. Tổng số ca dương tính trên địa bàn là 27. Hơn 26 ngày qua, Gia Lai không ghi nhận thêm ca Covid-19. Hiện tại còn 9 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến, sức khỏe ổn định.