1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ mũ nồi xanh ở Cộng hòa Nam Sudan: Thấy chúng tôi, họ gọi "Việt Nam"

(Dân trí) - Ngày 21-4, đoàn thứ 2 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam lên đường đi Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Ngày 21/4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn chiến sĩ "mũ nồi xanh" thứ hai thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 đã lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Trong những ánh mắt quyến luyến chia tay, chúng tôi gặp một hình ảnh quen thuộc đang động viên đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ để trở về, đó là bác sĩ, trung tá Bùi Đức Thành, Trưởng khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện quân y 175. Anh cũng chính là Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên của Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan vào năm 2018.

Bác sĩ mũ nồi xanh ở Cộng hòa Nam Sudan: Thấy chúng tôi, họ gọi Việt Nam - 1

Bác sĩ Thành tiễn các đồng nghiệp BVDC 2.3 lên đường làm nhiệm vụ

Những kỷ niệm về một năm công tác ở Cộng hòa Nam Sudan lại lần lượt kéo nhau về trong tâm trí người bác sĩ, chiến sĩ Bùi Đức Thành và anh đã trải lòng với PV Dân trí.

Cờ Việt Nam tung bay ở Cộng hòa Nam Sudan

Theo bác sĩ Thành, theo lộ trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 11-2012, Việt Nam lần đầu tiên cử cấp đơn vị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vì đây là thời điểm rất quan trọng. Trên cơ sở đó, quyết tâm của Bộ Quốc phòng, của lãnh đạo Bệnh viện quân y 175 và toàn bộ nhân sự tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là phải quyết tâm đi là phải thắng. Do đó, 4 năm (từ 2015 - 2018), công tác chuẩn bị bệnh viện dã chiến về mặt lý thuyết và thực hành đã được diễn tập nghiêm túc, kỹ càng.

Ngày 1-10-2018, sau 5 năm chuẩn bị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên của Quân đội Việt Nam chính thức lên đường nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Quốc gia Châu Phi - Cộng hòa Nam Sudan với 63 cán bộ, nhân viên.

"Nhưng khi sang tới Bentiu - nơi đóng quân (cách thủ đô Cộng hòa Nam Sudan 700 km) thì khó khăn ập đến. Khó khăn đầu tiên và cũng là thử thách phải kể đến thời tiết. Nhiệt độ bên ngoài trời ban ngày là 45 độ lại không có cây cối, anh em sốc nhiệt. Nhận nhiệm vụ được giao là tiếp nhận Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương Quốc Anh. Theo yêu cầu của phái bộ, trong vòng 1 tháng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam phải hoàn tất và đủ tiêu chuẩn để đưa vào hoạt động", bác sĩ Thành nhớ lại.

Với thời tiết ban ngày nóng như thiêu đốt, nơi ăn chốn ở còn hạn chế, thời gian 1 tháng để triển khai toàn bộ bệnh viện mà trang thiết bị còn thiếu, do hàng hóa đi theo đường hàng không chưa đủ, phải chờ cả hàng hóa đi theo đường biển. Trong thế khó, nhưng với sự chuẩn bị kịch bản chu đáo, và bằng tinh thần chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ nên tất cả các hoạt động diễn ra suôn sẻ.

"Thời tiết nóng thì anh em dậy thật sớm, làm đến 10 giờ thì rút vào nghỉ. Chiều thì 3 giờ mới bắt đầu làm. Chỉ sau 2 tuần vừa xây dựng vừa nhận chuyển giao chuyên môn, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương Quốc Anh thấy phía Việt Nam làm cơ bản tốt nên đã đề nghị bàn giao bệnh viện sớm hơn, rút lại còn 3 tuần. Ngày 26-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 chính thức làm lễ thượng cờ Việt Nam tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương Quốc Anh", bác sĩ Thành kể với niềm tự hào.

Bác sĩ mũ nồi xanh ở Cộng hòa Nam Sudan: Thấy chúng tôi, họ gọi Việt Nam - 2

Hoạt động những ngày đầu tiếp nhận BVDC cấp 2 của Vương Quốc Anh của BVDC 2.1

Sứ giả hòa bình

Theo bác sĩ Thành, về chuyên môn của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là thu dung cấp cứu điều trị. Trong 1 năm, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị, khám bệnh 2.022 lượt bệnh nhân. Nhiều hơn nhiều lần so với các đơn vị bạn trước đó. Về chất lượng, bệnh viện của Việt Nam cấp cứu, điều trị nhiều bệnh nhân nặng. Và bệnh viện đã mổ tổng cộng 64 ca bệnh, có hơn 20 ca trung và đại phẫu.

Bác sĩ mũ nồi xanh ở Cộng hòa Nam Sudan: Thấy chúng tôi, họ gọi Việt Nam - 3

Hoạt động trao đổi chuyên môn của BVDC 2.1 tại Cộng hòa Nam Sudan

"Trong đó 1 ca mổ rất ấn tượng, đó là sĩ quan người Mông Cổ bị hoại tử ruột 1,2 mét do xoắn ruột. Sau 5 giờ mổ, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam thực cứu sống bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân được hồi sức tích cực và chuyển về tuyến sau là Bệnh viện dã chiến cấp 3 ở Uganda. Cả phái bộ ngạc nhiên vì ca mổ khó, còn tuyến trên thì đánh giá bác sĩ Việt Nam mổ tốt quá, không cần can thiệp gì hơn. Trưởng y tế Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan đã khen Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại buổi giao ban của Phái bộ. Có thể nói, ca mổ thể hiện điểm nhấn về chuyên môn và trình độ của bác sĩ Việt Nam khi làm việc ở môi trường khó khăn thiếu thốn mọi mặt", bác sĩ Thành nói.

Bác sĩ mũ nồi xanh ở Cộng hòa Nam Sudan: Thấy chúng tôi, họ gọi Việt Nam - 4

Bác sĩ Thành và Tùy Viên Quân sự Australia tại Việt Nam.

Bên cạnh chuyên môn thì công tác đối ngoại cũng được xem là nhiệm vụ song song. Theo bác sĩ Thành, sau 1 năm, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã để lại hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ấn tượng với bạn bè quốc tế, Phái bộ. Rất nhiều quan chức Phái bộ đến thăm Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Bên cạnh là chuyên môn, họ thích được ăn món ăn của Việt Nam do cán bộ, chiến sĩ nấu.

"Họ truyền tai nhau xuống đó được thăm doanh trại đẹp, vườn rau đẹp và được ăn món ăn Việt Nam ngon lắm. Cán bộ thì hồ hởi, tốt và gần gũi…", bác sĩ Thành kể lại và cũng khẳng định rằng, quan trọng nhất là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tạo được hình ảnh với người dân tại nơi mình đóng quân. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 xác định cần phải gắn bó kết hợp chặt chẽ với Phái bộ, vừa triển khai các công tác dân vận tốt, phối hợp với Phái bộ để ra khu thường dân tặng quà, đó là sản phẩm của Việt Nam như đồ ăn như mỳ tôm, lương khô, sách vở tô màu… Sau đó là giao lưu, khám chữa bệnh…

"Cuối tuần chúng tôi thường xuyên ra khu thường dân dạy chữ, như dạy bà con biết chữ Việt Nam, từ cụ già đến em nhỏ khi thấy chúng tôi đều gọi 2 tiếng Việt Nam. Chúng tôi còn mang cả tập tô hình Bác Hồ và nói với người dân đây là Chủ tịch của Việt Nam. Chúng tôi dần dần tạo mối quan hệ, thân thiện nói chuyện với họ như anh em bạn bè. Họ nói bằng tiếng Anh", bác sĩ Thành kể thêm.

"Lãnh đạo tin tưởng thì mình gật đầu"

Bác sĩ Thành đã lãnh đạo Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thành công. 63 chiến sĩ, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ với quốc tế và đất nước về đến Việt Nam an toàn. Nhớ lại thời điểm được đề bạt làm lãnh đạo Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, bác sĩ Thành nhún vai cười, nói: "Lãnh đạo tin tưởng thì mình gật đầu".

Nhưng anh nói mình không khỏi bỡ ngỡ. Mặc dù anh quyết tâm nhận nhiệm vụ, nhưng bản thân chưa có nhiều thông tin, kinh nghiệm triển khai xây dựng thành lập 1 bệnh viện đầu tiên, lại ở tại một nơi xa. Hơn nữa, bản thân chỉ là bác sĩ điều trị, chưa có kinh nghiệm chỉ huy, điều hành quản lý.

Anh phải trải qua các đợt huấn luyện công tác chỉ huy, quản lý, công tác chính trị, ngoại ngữ các chương trình đào tạo phải theo chuẩn khắt khe của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng, điều anh tin tưởng là những kinh nghiệm tích lũy được khi được làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện quân y 175; 2 năm công tác là bác sĩ tại Quân đoàn 3 (Trung đoàn 48); tăng cường cho đợt thực hiện nhiệm vụ ở biên giới. Là bác sĩ điều trị tại bệnh xá huyện đảo Trường Sa lớn (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân). Và với 1 tinh thần người bác sĩ quân y quân đội, lại được sự động viên của ban lãnh đạo bệnh viện, sự nhiệt huyết và tinh thần xông pha của tuổi trẻ, anh đã quyết tâm rèn luyện bản thân để có thể đủ tiêu chuẩn nhận nhiệm vụ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm